Xây dựng không gian phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

18:57' - 05/12/2024
BNEWS Với đặc điểm về vị trí địa lý, Bình Phước có những giá trị lớn để biến tỉnh từ vai trò của “trạm dừng chân” trở thành một đầu mối quan trọng trong thúc đẩy kinh tế địa phương và vùng kinh tế lân cận.

Với đặc điể🐻m về vị trí địa lý của địa phương, Bình Phước có những giá trị lớn để biến tỉnh từ vai trò của “trạm dừng chân” trở thành một đầu mối quan trọng trong thúc đẩy kinh tế địa phương và cả những vùng kinh tế lân cận.

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Bình Phước nằm ở vị trí kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, trọng tâm là kết nối với Tp. Hồ Chí Minh và giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar nằm trong trục hành lang kinh tế Đông Tây. Trong tương lai, khi dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây (Bình Phước – Tp. Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang) hình thành, Bình Phước tiếp tục giữ vị trí trung chuyển hàng hóa, giao thương tại cửa khẩu Hoa Lư giữa Myanmar, Thái Lan, Campuchia với Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu qua hành lang kinh tế phía Nam.

Với vị trí chiến lược này, Bình Phước có thể đón đầu dòng nguyên liệu nông lâm nghiệp, khoáng sản phong phú từ 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng). Hơn nữa, trong 5 năm trở lại đây, nhiều địa phương ở Tây Nguyên phát triển mạnh một số sản phẩm cây ăn quả. Bên cạnh đó, dòng nguyên vật liệu nhập khẩu đa dạng từ các tỉnh biên giới láng giềng Campuchia và từ Thái Lan, Myanmar. Tiềm năng về vị trí địa hình, địa lý giúp Bình Phước có khả năng nắm bắt cơ hội để trở thành một trong những địa bàn trọng điểm tiêu thụ nguyên vật liệu, phục vụ cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.

Chính vì vậy, Bình Phước đang tổ chức xây dựng không gian cho các ngành kinh tế quan trọng. Cụ thể, đến năm 2025, nguồn lực đầu tư cần tập trung chủ yếu vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các thị xã Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản và Phú Riềng dọc theo các tuyến giao thông chính (Quốc lộ 14, Quốc lộ 13, ĐT 741) và các tuyến cao tốc tiềm năng trong tương lai. Đây là các địa phương có vị trí thuận lợi, có ưu thế trong kết nối hạ tầng và thu hút lao động. Trong giai đoạn 2025 – 2030, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có thể được đầu tư phát triển mạnh tại các huyện Hớn Quản và Phú Riềng.

Trong sản xuất công nghiệp, các ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nhất định (chế biến sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng) khuyến khích tập trung tại các khu công nghiệp có diện tích lớn, xa khu dân cư với hạ tầng có khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải, nước thải quy mô lớn.

Các ngành công nghiệp hiện hữu khác (chế biến gỗ, sản xuất thiết bị, máy móc, cơ khí chế tạo, …) khuyến khích tập trung tại các khu công nghiệp đang khai thác (Đồng Xoài I, Đồng Xoài II, Đồng Xoài III, Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú…).

Các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hàm lƣợng công nghệ cao, công nghệ thông tin khuyến khích tập trung tại các khu công nghiệp mới, hạ tầng hiện đại với sự kết hợp của đô thị, dân cư.

Công nghiệp sản xuất điện năng lượng mặt trời tập trung tại các vùng đất kém màu mỡ tại các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản. Khuyến khích đầu tư điện mặt trời áp mái của các nhà điều hành, xưởng, kho trong các khu công nghiệp khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế.

Phân vùng sản xuất nông nghiệp được thực hiện căn cứ trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của các khu vực tỉnh Bình Phước, kết hợp với lịch sử phát triển và hiện trạng, xu hướng phát triển các loại cây trồng. Đối với hai cây trồng chủ lực là cao su và điều, phát triển diện tích trồng trên các vùng nguyên liệu hiện hữu và tập trung chế biến ở những nơi tập trung như cây điều ở Phước Long, cây cao su ở Phú Riềng.

Cây ăn trái tập trung phát triển ở những khu vực có lợi thế trên cơ sở chuyển đổi từ diện tích các loại cây trồng khác, nhất là cao su tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Phú Riềng và thị xã Bình Long…

Đối với chăn nuôi, tỉnh tập trung ở những vùng ít gây ô nhiễm môi trường, tập trung quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phú Riềng và Lộc Ninh.

Về thương mại – dịch vụ và du lịch, Bình Phước tập trung ở tam giác động lực Đồng Xoài – Đồng Phú – Chơn Thành và các đô thị khác như Phước Long và Bình Long. Theo đó, du lịch sẽ tập trung ở khu vực có tài nguyên du lịch quan trọng nhất của tỉnh gồm: núi Bà Rá, Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, Sóc Bom Bo, Trảng cỏ Bù Lạch, Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập.

Theo PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đề xuất tỉnh Bình Phước cần tập trung vào ba trụ cột chính gồm: Nông nghiệp công nghệ cao gắn với nâng cấp chuỗi giá trị nông sản chủ lực và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới; công nghiệp – đô thị đón đầu sự dịch chuyển công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ và thương mại – dịch vụ nằm trong mắt xích quan trọng trong việc kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Tây Nguyên.

Cùng đó, Bình Phước cần tập trung các nguồn lực và điều kiện cần thiết để chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội để đón đầu xu hướng chuyển dịch công nghiệp của các trung tâm công nghiệp lớn vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở phát huy sự tương hỗ và liên kết vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, Việt Nam nói chung, khu vực kinh tế vùng Đông Nam Bộ nói riêng đang là điểm đến cho các nhà đầu tư khu vực và quốc tế. Khi các đầu mối kinh tế lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu phát triển chậm lại, xu hướng tất yếu sẽ có dịch chuyển đầu tư sang các địa phương lân cận. Vì vậy, trong tương lai nếu có chiến lược đầu tư hạ tầng, kỹ thuật kết nối nhằm xóa bỏ hạn chế về ranh giới hành chính và đảm bảo sự tương đồng với Bình Dương, tỉnh Bình Phước sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục