Phương Tây loay hoay tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược

17:43' - 08/12/2024
BNEWS Các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với xuất khẩu khoáng sản chiến lược đang gây ra nhiều khó khăn cho các công ty phương Tây.

Các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với xuất khẩu khoáng sản chiến lược đang gây ra nhiều khó khăn cho các công tyꦉ phương Tây.

 

Tập đoàn Henkel của Đức, một trong những "nạn nhân" tiêu biểu, đã phải tuyên bố ngừng cung cấp bốn loại chất kết dính và chất bôi trơn quan trọng cho ngành ô tô kể từ tháng trước. Nguyên nhân được Henkel chỉ rõ là do lệnh hạn chế xuất khẩu antimony của Trung Quốc từ tháng 8/2024.

Antimony, kim loại màu bạc được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm Bonderite và Teroson của Henkel - đóng góp tới 10,79 tỷ euro (11,4 tỷ USD) doanh thu năm ngoái - hiện đang trở nên ngày càng khan hiếm do vướng mắc thủ tục xin giấy phép nhập khẩu từ phía Chính phủ Trung Quốc.

Henkel đã gửi một bức thư đến các khách hàng hôm 8/11, trong đó công ty này cho biết không thể dự đoán thời điểm tình trạng này sẽ kết thúc. Sự việc trên, cộng với những khó khăn mà hơn 20 thương nhân, nhà chế biến, người tiêu dùng cuối cùng và chuyên gia ngành ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang phải đối mặt, cho thấy sự gián đoạn nghiêm trọng do các hạn chế thương mại của Trung Quốc gây ra và làm nổi bật khó khăn của các bên tham gia phương Tây trong việc thay thế chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc.

Điều này càng làm phức tạp thêm tình hình khi giá antimony trên thị trường giao ngay Rotterdam đã tăng gần 230% trong năm nay, lên mức 39.000 USD/tấn.

Việc Trung Quốc - quốc gia chiếm vị trí số một toàn cầu về sản xuất antimony và cũng thống lĩnh việc sản xuất nhiều nguyên liệu chiến lược khác - áp đặt hạn chế xuất khẩu không chỉ dừng lại ở antimony. Trước đó, Trung Quốc cũng đã siết chặt nguồn cung đối với gallium, germanium (dùng cho chất bán dẫn, pin Mặt trời, vũ khí) và một số loại than chì (cho pin xe điện). Mới đây nhất, đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp chip, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu ba kim loại này sang Mỹ - nơi Henkel có nhà máy sản xuất Bonderite ở Michigan.

Sự kiện này đang thúc đẩy một cuộc chạy đua toàn diện của phương Tây nhằm đa dạng hóa nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xây dựng các mỏ mới cần nhiều năm, khiến các công ty như Henkel phải chạy đua tìm kiếm các giải pháp thay thế, thường tốn kém hơn. Trong khi đó, một số công ty khai thác và chế biến phương Tây đã bắt đầu tăng công suất.

Một số công ty như Perpetua Resources đang phát triển mỏ antimony tại Idaho với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, trong khi United States Antimony - nhà chế biến antimony duy nhất của Bắc Mỹ - đang gấp rút tăng công suất nhà máy luyện kim Montana từ mức 50% hiện tại. Việc này được thúc đẩy bởi giá antimony tăng vọt và nhu cầu thị trường tăng cao.

Sự siết chặt xuất khẩu của Trung Quốc đã làm giá nhiều khoáng sản chiến lược tăng vọt. Gallium được bán bên ngoài Trung Quốc đắt hơn từ 30% đến 40% so với ở trong nước trong nửa đầu năm 2024 so với một năm trước đó, theo nhà sản xuất Neo Performance Materials có trụ sở tại Toronto. Các hạn chế cũng đã đẩy nhiều doanh nghiệp yếu kém của Trung Quốc phải rời khỏi thị trường.

Thậm chí trước khi lệnh cấm mới nhất được ban hành, Trung Quốc đã không xuất khẩu gallium hay germanium sang Mỹ trong năm 2024 (tính đến tháng 10). Trong khi năm 2023, Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của hai kim loại này.

Giám đốc mua hàng Maxime Picat của nhà sản xuất ô tô Stellantis đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung: "Khi bạn giảm rủi ro, bạn cần giảm rủi ro bằng các đòn bẩy khác nhau. Nếu bạn là một công ty chỉ có một giải pháp, biết rằng các nhà cung cấp pin của bạn đều là người Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, thì bạn đang gặp rủi ro".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục