Vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng: Mỗi người cần biết kiểm soát, ứng xử phù hợp

19:42' - 21/12/2024
BNEWS Tại cơ quan công an, đối tượng Cao Văn Hùng (sinh năm 1973, trú huyện Đông Anh) khai nhận do mâu thuẫn với 7 người trong quán cà phê nên đã mua xăng ra tay phóng hỏa quán.

Vụ cháy quán cà phê số 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đêm 18/12 do mâu thuẫn cá nhân đã tước đi sinh mạng của 11 người vô tội, 4 người bị thương. Tại cơ quan công an, đối tượng Cao Văn Hùng (sinh năm 1973, trú huyện Đông Anh) khai nhận do mâu thu𝔍ẫn với 7 người trong quán cà phê nên đã mua xăng ra tay phóng hỏa quán.

 

Đánh giá về vụ việc này, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách (Giám đốc Trung tâm tâm lý lâm sàng DrMP thuộc Viện Tâm lý và Truyền thông IPM, Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, khi thấy thông tin vụ việc, anh đã vào xem rất kĩ clip ghi lại hình ảnh của đối tượng Cao Văn Hùng.

Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, đối tượng Hùng có hai trạng thái, đó là trước khi biết được hậu quả của vụ việc và sau khi biết hậu quả của vụ việc do chính mình gây ra.

Phân tích về hung thủ đó theo góc nhìn tâm lý học, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho biết, trong tâm lý học có một dạng rối loạn nhân cách cận phân lý mang tên “nhân dạng chiếm quyền tạm thời”.

“Rối loạn này bất kể ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua cho dù bạn có là người được coi là người trầm tĩnh. Rối loạn này thường xảy ra ở giai đoạn từ 15 tuổi đến 36 tuổi, có diễn biến khá phức tạp, phụ thuộc vào môi trường sống, nền tảng giáo dục. Nếu một người có môi trường sống, nền tảng giáo dục tốt, rối loạn sẽ được triệt tiêu theo thời gian và mang chiều hướng tích cực. Ngược lại thì ai cũng có thể định đoán được rồi. Với nhân thân của thủ phạm, môi trường sống đã trải qua và trên tất cả là việc đánh bạn với men rượu thì rối loạn của hung thủ có thể đang ở mức độ cao nhất khi có diễn biến xung đột xảy ra”, bác sĩ Bách nhận định.

Rối loạn “nhân dạng chiếm quyền tạm thời” càng có cơ hội phát triển khi chênh lệch giàu nghèo, vị trí xã hội, hình thức mưu sinh… tất cả những tác động đó sẽ làm rối loạn trên càng có đất sống.

“Chính vì vậy không phải bỗng nhiên chỉ có va chạm nhỏ khi tham gia giao thông mà dẫn đến án mạng. Một xô xát nhỏ giữa hàng xóm với hàng xóm cũng xảy ra án mạng. Một câu trêu đùa giữa học sinh với học sinh cũng có thể gây ra án mạng. Một phụ huynh vì bênh con mà sẵn sàng đánh bạn của con hay dung túng cho con đánh lại bạn…”, bác sĩ Bách nêu ví dụ.

Những tình huống trên đều xuất phát từ những nguyên nhân không rõ ràng và nhỏ nhặt. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý, những đụng độ này mang tính tự phát nên rất khó lường trước hậu quả. Những người trong các cuộc đụng độ này tuy không hề chuẩn bị các phương tiện gây án nhưng khi không kiềm chế được cơn nóng giận, họ có thể vớ bất cứ thứ gì đó làm hung khí, hoặc ngấm ngầm trả thù như cách của hung thủ Cao Văn Hùng. Các hành động bột phát do thiếu kiềm chế cảm xúc luôn trở nên vô cùng nguy hiểm.

Ở hung thủ Cao Văn Hùng, khi chưa biết hậu quả do mình gây ra, hung thủ ung dung kể lại như một câu chuyện đùa. “Lúc đó “nhân dạng chiếm quyền tạm thời” đang thỏa mãn chính cái tôi của nhân dạng đó. Cái tôi lúc này mang nặng sự hận thù , mà sự hận thù này không phải nhất thời mà có. Nó được tích lũy qua quá trình sống của hung thủ, tù tội, trộm cắp…”, bác sĩ Bách phân tích.

Khi biết hậu quả của sự việc, thần thái của hung thủ đã thay đổi, trở nên ăn năn, sợ sệt, có lúc hối hận. Lúc này bản chất thật của hung thủ trở lại, muốn sống, muốn quay lại nhưng đã quá muộn màng…

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, trong bất kỳ tình huống nào, nếu không muốn đưa sự việc đi quá xa đến mức không thể kiểm soát được, thậm chí gây hậu quả xấu, mỗi người cần biết kiềm chế cơn nóng giận đang ngùn ngụt trong mình. Khi tiếp xúc với một người đang nóng giận và mất bình tĩnh, chúng ta cần thật bình tĩnh và tự tin trong cư xử.

Bởi khi một người mất bình tĩnh, họ có thể trở nên hung hăng, sau đó trong người đó sẽ tràn ngập những cảm xúc tiêu cực, sau một thời gian kiềm chế bên trong, họ sẽ “bùng phát” cơn giận này ra người khác. Khi đó hậu quả sẽ thật khó lường. 

“Kiềm chế cơn nóng giận là một quá trình, hay còn được gọi là sự luyện tập tích lũy. Sự tích lũy này cần môi trường lành mạnh , một hệ thống giáo dục nhân sinh mang tính xã hội cao”, bác sĩ Bách chia sẻ.

Để rèn luyện bản thân kiềm chế cơn nóng giận, cần học cách kiểm soát bằng cách thực hiện các hành vi ngược lại với đối tượng, ví dụ như nở nụ cười với người đang cáu giận, vỗ về, xin lỗi họ…

“Đôi khi chúng ta cần so sánh ngược kiểu AQ, đặt cái tôi với sự chênh lệch nhận thức (Tư duy cao hơn những hành vi cáu giận khác…), bác sĩ Bách nêu ví dụ.

Với nhà trường, gia đình nên cho trẻ phát triển những kỹ năng mềm, kỹ năng kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc, giúp trẻ phát triển sự cảm thông, bổ sung nội dung giáo dục hoàn cảnh như tạo những hoàn cảnh bất thuận cho trẻ từ tiểu học để rèn tính kiên nhẫn từ khi còn nhỏ, giúp  trẻ hiểu và biết cách ứng xử phù hợp…

Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là giáo dục hòa đồng, hướng mỗi cá nhân trong xã hội biết cảm thông và chia sẻ, bởi như EC Mckenzie đã từng nói: "Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục