Gần 100% diện tích lúa đưa cơ giới hóa vào sản xuất

10:00' - 21/12/2024
BNEWS Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp có bước phát triển mạnh. Nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được áp dụng vào sản xuất.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đạt gần 100% diện tích lúa đưa cơ giới hóa vào sản xuất; trong đó, cơ giới hoá 100% diện tích đất khâu làm đất; 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dꦑầu; có ❀100% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; có 100% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy và diện tích gieo sạ lúa bằng máy đạt hơn 90%.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp có bước phát triển mạnh. Nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được áp dụng vào sản xuất. Hiện nay, số lượng máy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá nhiều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch với hơn 2.100 máy cày, 3.838 máy xới các loại, 1.620 máy gặt đập liên hợp, 1.153 máy sạ hàng - phun xịt, 1.580 trạm bơm, hơn 100 máy cấy, 69.260 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ.... góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế.

Nổi bật ở huyện Tháp Mười, xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Huyện Tháp Mười đã chú trọng đặc biệt đến cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện triển khai đồng bộ, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Mạnh ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười cho biết, việc canh tác theo kiểu truyền thống ở địa phương hiện nay hầu như không còn. Người dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa chiếm 100% diện tích.

Huyện Tháp Mười có hơn 110.000 ha sản xuất lúa hàng năm, cơ giới hóa đưa vào sản xuất lúa đa dạng về chủng loại với 503 máy cày, 360 máy xới các loại, 222 máy gặt đập liên hợp, 1.110 máy sạ hàng - phun xịt, 103 trạm bơm điện, 50 máy cấy, 8 thiết bị bay không người lái, 7.700 máy phun phân và 10.608 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ, đáp ứng hầu hết yêu cầu các khâu trước, trong và sau thu hoạch.

Đưa cơ giới vào gieo sạ lúa, lượng giống giảm từ 40 - 60 kg/ha, chi phí đầu tư phân, thuốc giảm và lợi nhuận thu về cuối vụ cao hơn so với lúa sạ thủ công khoảng 8 triệu đồng/ha. Chị Đỗ Thị Loan ở xã Mỹ Hòa cho biết, trước đây, sử dụng biện pháp sạ hàng phải sử dụng 20 kg lúa giống/1.000 m2 nhưng hiện nay gieo mạ để cấy cho 1.000 m2 chỉ sử dụng từ 6-8 kg lúa giống.

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất thúc đẩy đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào gieo sạ là một trong những khâu quan trọng giảm lượng lúa giống.

Điển hình như cải tiến máy sạ lúa kiêm luôn phun phân, giúp rút ngắn thời gian xuống giống lúa từ 4-6 giờ/ha so với sạ bằng tay, giúp tiết kiệm được công lao động, máy có thể điều tiết lượng giống, phân theo ý muốn. Bình quân mỗi người gieo sạ hoặc bón phân bằng thủ công từ 1- 2 ha/ngày, nhưng sử dụng máy có thể mỗi người sạ lúa, phun phân được từ 4-6 ha/ngày, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất từ 500 ngàn - 1 triệu đồng/ha.

Đối với máy trục đất bằng máy xới, máy cày tăng hiệu quả gấp 2-3 lần so với trước đây sử dụng bằng con trâu đi bừa, đi cày. Anh Nguyễn Văn Mười có 03 ha đất sản xuất lúa, anh đã mạnh dạn mua 01 máy trục đất, kết quả cho hiệu quả cao so với trước đây, một mình anh sử dụng máy trục 01 ngày từ 5-6 ha đất, đối trước đây sử dụng trâu đi trục 01 ngày chỉ đạt từ 1-2 ha đất, nếu anh sử dụng máy đi trục thuê, trừ hết các chi phí anh lãi hơn 1,2 triệu đồng/ngày.

Đối với máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa góp phần hạn chế hao hụt khi thu hoạch và cho độ sạch cao, nên lúa bán được giá cao hơn 100 đồng/kg so với thu hoạch truyền thống, tính ra mỗi máy thay cho hơn 50 người gặt tay, đồng thời thay cho hàng chục người khỏi phải gom lúa, vận chuyển về nhà, độ vỡ hạt dưới 3%, độ sót hạt theo rơm dưới 2% và độ sạch hạt trên 95%. Đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch lúa bằng máy giúp tiết kiệm chi phí 4,3 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất, tỉnh đề ra kế hoạch cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở nông thôn; ưu tiên phát triển cơ giới hóa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích cơ giới hoá trong sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động; góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch, giảm nhẹ công sức lao động, tránh được độc hại, tăng lợi nhuận cho người nông dân...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục