Năm 2024, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền ban hành 163 văn bản

09:26' - 21/12/2024
BNEWS Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa B🐟ình, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố tham dự.

 

Trong phát biểu khai mạc, nhấn mạnh năm 2024 thực sự là năm với những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã điểm ra 8 mặt nổi bật của ngành trong năm qua.

Theo đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2024, toàn ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 thông tư và văn bản hợp nhất”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Bộ, ngành Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả; trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ,công chức,viên chức.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025; đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương – thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, Bộ tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.

Bộ Nội vụ nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phân cấp, phân quyền triệt để trong trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế - xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực. Cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.

Bộ Nội vụ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công tác đối ngoại công vụ với nhiều hoạt động hợp tác chiến lược, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những hạn chế, tồn tại và những khó khăn vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Cần phải nghiêm túc nhận diện để khẩn trương khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn, đặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời điểm hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Nội vụ; đồng thời vận hành bộ máy hành chính nhà nước sau sắp xếp bảo đảm tính liên tục, thống nhất và ổn định phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả,…

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2025 là rất nặng nề. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, ngành Nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phân tích, nhận diện sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ năm 2024, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và tìm ra bài học kinh nghiệm cho năm 2025. Tham gia, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2025 của ngành Nội vụ nhằm thể chế hóa kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành Nội vụ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục