Phát triển vật nuôi theo đặc thù khí hậu

09:27' - 04/12/2024
BNEWS Hiện nay, các sản phẩm từ dê, cừu, bò của các công ty, cơ sở chế biến tại Ninh Thuận đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Ninh Thuận với địa hình đa dạng và khí hậu khô nóng gần như quanh năm đã tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của một số loại vật nuôi có thế mạnh như cừu, dê, bò. Khai thác lợi thế này, tỉnh đang tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương nhằm tạo niềm tin vững chắc đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng và chất lượng sản phẩm.

*Thủ phủ dê, cừu

Ninh Thuận là địa phương có tổng đàn dê, cừu lớn nhất cả nước với số lượng trên 104.300 con dê và gần 92.500 con cừu. Chăn nuôi dê, cừu ở Ninh Thuận chủ yếu theo hình thức chăn thả tự do trên các đồng cỏ, đồi núi kết hợp nuôi nhốt bán tự nhiên cho ăn cỏ và các phụ phẩm𒉰 trồng trọt. Hiện nay, tại các vùng chăn nuôi ở các huyện như Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái có nhiều trang trại nuôi dê, cừu tập trung trị giá hàng trăm triệu đồng với quy mô đàn từ vài chục đến cả nghìn con.

Tỉnh Ninh Thuận xác định cừu là vật nuôi có thế mạnh đặc thù. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Minh hộ chăn nuôi cừu có thâm niên gần 20 năm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ, gia đình ông đang nuôi đàn cừu hơn 150 con và 15 con bò. Nuôi cừu chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, cừu cái khoảng 9 tháng tuổi đã có khả năng sinh sản 2 lứa trong vòng một năm, mỗi lứa đẻ từ 1-2 con, nuôi khoảng 5 tháng trở lên là có thể xuất bán. Mỗi năm gia đình thu lợi nhuận hơn 120 triệu đồng từ bán cừu và bò, nhờ đó giúp con cái có điều kiện học đại học, kinh tế gia đình ổn định.

Điều kiện khí hậu khô nóng cùng thổ nhưỡng đặc trưng đã giúp cho vật nuôi này phát triển thuận lợi, khu vực gò đồi ở các địa phương có các loại cây đặc trưng là nguồn thức ăn ưa thích của cừu như cây quýt rừng, cây duối, cây sống rắn giúp cho thịt cừu có hương vị và chất lượng đặc thù. Thịt cừu Ninh Thuận bao gồm hai dạng có nguồn gốc từ giống cừu bản địa và cừu lai có các đặc trưng cảm quan về thịt có màu đỏ đậm, ít mỡ, hàm lượng dinh dưỡng cao được chế biến thành những món ăn ngon hợp với khẩu vị của nhiều tầng lớp người dân. Thịt cừu có thể làm được nhiều món ngon như thịt cừu nướng, tái, xào, xông khói, chả cừu, cà ri cừu, lẩu cừu, cừu nấu rau má, cừu nấu nho, hủ tiếu cừu.

Trong khi đó, vùng núi Ninh Thuận có các loại cây đặc trưng như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, dướng, bầu trích, mộc sông; trong đó, có nhiều loại là cây lá thuốc quý, nhờ ăn những loại lá trên thịt dê núi Ninh Thuận luôn có màu đỏ tươi, khi chế biến thịt thơm và rất ngọt. Sản phẩm thịt dê Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận”; sản phẩm thịt cừu được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ “Ninh Thuận”. Đồng thời, cả hai sản phẩm dê, cừu đều đã được tỉnh công nhận là sản phẩm đặc thù của địa phương.

Hiện nay, các sản phẩm từ dê, cừu, bò của các công ty, cơ sở chế biến tại Ninh Thuận đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Bà Trần Thị Minh, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Thành Food tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết, công ty đầu tư xây dựng nhà máy rộng hơn 5.300m2 và hệ thống máy móc có công suất giết mổ 200 con/giờ với các sản phẩm bao gồm dê, cừu, bò, heo đen, gà ta.

Đặc biệt, sản phẩm từ thịt cừu được chế biến bằng phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại đảm bảo giữ nguyên hương vị tự nhiên. Ngoài sơ chế nguyên con, công ty chia ra 13 sản phẩm khác nhau từ thịt cừu nguyên miếng đến các phần cắt sẵn tiện lợi hiện đang được phân phối rộng rãi tại các nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị trên cả nước. Hiện nay, Nhật Thành Food được giao là đơn vị chủ trì liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dê, cừu định hướng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

*Tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát triển ngành chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ với mục tiêu là phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò gắn với cơ sở giết mổ tập trung.

Cụ thể, theo đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển quy mô đàn cừu lên 150.000 con, đàn dê đạt 130.000 con, đàn bò đạt 150.000 con. Đến năm 2030, tỉnh nâng tổng đàn cừu lên 220.000 con, sản lượng thịt cừu tăng bình quân từ 4- 5%/năm; đàn dê đạt 160.000 con, sản lượng thịt dê tăng bình quân 3,5%/năm; phát triển đàn bò lên 200.000 con, sản lượng thịt bò tăng 7,5%/năm.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ các cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Phát triển công nghiệp chuồng trại nhằm hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi theo mô hình nuôi bán chăn thả, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật chế biển, ủ thức ăn xanh kết hợp bổ sung thức ăn tinh để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết đầu tư vào chăn nuôi cừu, dê, bò theo chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu. Ngành chức năng tăng cường giám sát, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kết hợp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ; gắn hoạt động chăn nuôi trang trại, cánh đồng cừu với du lịch để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Việc phát huy thế mạnh của các loại vật nuôi đặc thù là một hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. Với sự quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức, ngành chăn nuôi của tỉnh được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bảo vệ môi trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục