Ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu cần 120 tỷ USD vào năm 2030

08:58' - 21/01/2025
BNEWS Nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu cần tăng gấp đôi lên 120 tỷ USD vào năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng trên thế giới.

Báo Arabia News của Saudi Arabia dẫn một báo cáo phân tích mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu cần tăng gấp đôi lên 120 tỷ USD vào năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng trên thế giới.

 

🐟Báo cáo của IEA đánh giá cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là cần thiết để đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng lớn của ngành năng lượng hạt nhân. Theo IEA, việc đánh giá và dự báo được nguồn tài chính trong tương lai là chìa khóa để giảm chi phí và thu hút vốn đầu tư tư nhân vào ngành điện hạt nhân. Báo cáo phân tích của IEA được đưa ra giữa lúc các quốc gia như Saudi Arabia đang tích cực tìm cách tăng cường các chương trình hạt nhân để đa dạng nguồn năng lượng của mình.

IEA nêu rõ: "Chỉ riêng vốn đầu tư công sẽ không đủ để xây dựng một kỷ nguyên mới cho ngành vực năng lượng hạt nhân. Nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ là cần thiết để mở rộng quy mô đầu tư. Khu vực tư nhân ngày càng coi năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng đáng để đầu tư, vì đây là nguồn năng lượng sạch và cạnh tranh". IEA cũng chỉ ra rằng một khung pháp lý có tính hỗ trợ là rất quan trọng đối với hoạt động đầu tư vào ngành năng lượng hạt nhân.

♛Trong một báo phân tích riêng rẽ công bố ngày 15/1, Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) có thể đạt được, nếu các khoản đầu tư được triển khai một cách thỏa đáng và đầy đủ.

Bà Amy Drake, Trợ lý Giám đốc Sáng kiến Chính sách Năng lượng Hạt nhân của Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng việc tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư hơn 150 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Theo bà Drake, đầu tư tư nhân là yếu tố rất quan trọng để đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng hạt nhân quy mô lớn.

♔Báo cáo của IEA đánh giá với 63 lò phản ứng hạt nhân khác hiện đang được xây dựng, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2025, chiếm gần 10% tổng sản lượng điện toàn cầu. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định "sự trở lại mạnh mẽ của lĩnh vực điện hạt nhân đang diễn ra tốt đẹp, với sản lượng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay.

Hơn 70 GW công suất điện hạt nhân mới đang được xây dựng trên toàn cầu, đánh dấu một trong những mức cao nhất trong 30 năm qua. Hơn 40 quốc gia trên thế giới có kế hoạch mở rộng vai trò của điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng của mình".

😼IEA cho biết thêm các động lực mới đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nguồn cung điện an toàn và sạch khi nhu cầu điện ngày càng tăng mạnh trên toàn thế giới. Động lực mới này được thúc đẩy bởi các chính sách, dự án, nguồn đầu tư và tiến bộ công nghệ mới, chẳng hạn như các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Báo cáo của IEA cũng nhấn mạnh sự phân bố nhân khẩu học và địa lý của các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu, với hầu hết các nhà máy điện hạt nhân hiện có ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng nhiều nhà máy trong số này đã được xây dựng từ nhiều thập niên trước.

Theo IEA, bản đồ năng lượng hạt nhân toàn cầu đang thay đổi, với phần lớn các dự án đang được xây dựng ở Trung Quốc. Quốc gia Đông Bắc Á này sẽ vượt qua cả Mỹ và châu Âu về công suất điện hạt nhân được lắp đặt vào năm 2030. Trong số 52 lò phản ứng được xây dựng trên toàn thế giới kể từ năm 2017, 25 lò phản ứng do Trung Quốc thiết kế và 23 lò khác do Nga thiết kế. Hiện này, hơn 99% công suất làm giàu diễn ra ở 4 quốc gia cung cấp, với Nga chiếm 40% công suất toàn cầu, mức thị phần lớn nhất

Saudi Arabia cũng đang tìm cách phát triển ngành năng lượng hạt nhân. Ra mắt vào năm 2017, Dự án Năng lượng Nguyên tử Quốc gia của Saudi Arabia là nền tảng trong chiến lược của chính phủ nước này nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Hồi đầu tháng 1/2025, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho hay nước này đang có kế hoạch làm giàu và bán uranium.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục