Hà Nội đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

08:18' - 14/10/2024
BNEWS Từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình, hội chợ hàng Việt nhằm đưa hàng hoá đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo hiệu ứng tích cực và lan toả hàng Việt.

Gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Việc xây dựng, phát triển các điểm giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đặc sản vùng miền hoặc các kênh phân phối thuần Việt khác đóng vai trò quan trọng đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Đặc biệt, tại Hà Nội, cùng với các hoạt động kết nối, việc tổ chức Tuần hàng Việt tại các huyện ngoại thành góp phần tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và từ phía người tiêu dùng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội và các sở ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôn vinh doanh nghiệp, nhà sản xuất có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tổ chức hội chợ "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" nhằm quảng bá, tuyên truyền sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.

Ngoài ra, Sở tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các Phiên chợ Việt, Hội chợ hàng Việt, Tuần hàng Việt, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Ngược lại, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý nhờ các chương trình khuyến mại, giảm giá. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm gia tăng chất lượng, nâng cao vị thế của hàng Việt tại thị trường trong nước.

Cùng đó, việc mở rộng đối tượng phạm vi của Tuần hàng Việt về các huyện ngoại thành giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn Thành phố. Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, tiếp tục các hoạt động nằm trong chương trình Cuộc vận đông “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức hàng loạt các chương trình, hội chợ như Lễ hội thời trang thương hiệu sản phẩm, các hoạt động Tuần hàng, Hội chợ nằm trong các chương trình khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng.

Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt, với các sản phẩm hàng hóa Việt có thêm nhiều cơ hội tham gia, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng. Đồng thời, định hình được thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Là một trong những doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội, từ những chiếc bóng đèn sợi đốt, phích nước Rạng Đông, đến nay Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chiếu sáng tại Việt Nam. Rạng Đông ngày càng có thêm nhiều diện mạo mới với sự phát triển vượt bậc về hệ sinh thái sản phẩm phẩm LED IoT, đưa đến thị trường giải pháp Rallismart – SmartHome, Smart City, Smart Farm…

Không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà các sản phẩm của Rạng Đông còn chinh phục người tiêu dùng ở nước ngoài. Sản phẩm LED và điện tử của công ty đã tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Cuba, Hàn Quốc, Trung Đông, Sri Lanka, Mỹ...

Tuy nhiên với phương châm ưu tiên sử dụng và tiêu thụ hàng sản xuất trong ngành và trong nước, thời gian qua, Công đoàn Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh. Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập. Đặc biệt, tại các kênh phân phối thuần Việt, tỷ lệ hàng Việt chiếm cao hơn. 

Đơn cử, tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. Chuỗi siêu thị Coop mart, tỷ lệ hàng Việt là trên 90%; trong đó, nông sản chiếm 100%.

Nhận thấy “sức nóng” của hàng Việt, từ đầu năm 2024 nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội trở lại “đường đua” mở rộng hệ thống siêu thị. Đơn cử như để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng, trong nửa đầu năm 2024, WinCommerce (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart+/WiN) đã mở mới 91 cửa hàng WinMart+/WiN, đồng thời chuyển đổi 236 cửa hàng WinMart+ sang mô hình cửa hàng WiN.

Không chỉ WinCommerce nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng tham gia vào cuộc đua mở rộng thị phần. Đáng ghi nhận, hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước.

Ở góc độ đơn vị bán lẻ, bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.

Mới đây, Tháng giới thiệu và quảng bá hàng Việt với tên gọi “35 năm Tự hào hàng Việt” do Saigon Co.op triển khai đã chính thức bắt đầu tại 800 điểm bán trên toàn quốc. Theo đó, tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, SenseMarket, Sense City, Cheers, Finelife dành toàn bộ những vị trí đẹp nhất để trưng bày và giới thiệu hàng Việt. Saigon Co.op phối hợp cùng hơn 600 đối tác kinh doanh giảm giá từ 10 - 50% cho hơn 3.500 sản phẩm Việt trên tất cả ngành hàng.

Hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang có hơn 130 mặt hàng OCOP đến từ các hợp tác xã của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm. Thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm OCOP của vùng miền khác nhau.

Thông tin về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối bán lẻ nhằm cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng; triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt…

Bộ Công Thương khuyến nghị trong thời gian tới các địa phương cần có chiến lược hỗ trợ cho các hộ sản xuất ở vùng sâu, vùng x🐻a về kỹ thuật canh tác nông nghiệp chất lượng cao và các phương thức vận tải phù hợp để đa dạng hóa thêm nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP trên kệ hàng của người Việt.

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục