Giới đầu tư toàn cầu thận trọng sau quyết định của Fed

14:01' - 20/09/2024
BNEWS Các công ty đầu tư lớn trên toàn cầu đang cảnh giác với những biến động mạnh mẽ trên thị trường sau khi quyết định giảm mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Các công ty đầu tư lớn trên toàn cầu đang cảnh giác với những biến động mạnh mẽ trên thị trường sau khi quyết định giảm mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã gây ra sự hoang mang về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ bùng nổ hay đối mặt với suy thoái. Điều này làm mờ triển vọng của thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ trên toàn thế giới.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã khởi sắc mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 19/9, một ngày sau khi Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm từ mức cao nhất trong 23 năm, trong khi đồng euro, đồng bảng Anh và đồng tiền của các nước khác, từ Na Uy đến Australia đều tăng giá so với đồng USD. Chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh sau khi “đứng hình” trước đó với đợt cắt giảm của Fed.

 

Nhưng một dấu hiệu cho thấy đợt việc hạ lãi suất của Fed đang khiến các nhà hoạch định chính sách các nước khác lo lắng là Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 19/9 đã giữ nguyên lãi suất do sự không chắc chắn về lạm phát và nhu cầu toàn cầu.

Các nhà giao dịch đã giảm mức dự đoán về khả năng Anh hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11/2024 xuống khoảng 80% và cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không cắt giảm lãi suất vào tháng tới, nhưng các nhà đầu tư cho rằng những dự đoán này sẽ còn thay đổi.

Một số nhà quản lý tiền tệ cảnh báo rằng Fed có thể đang hỗ trợ quá nhiều cho một nền kinh tế Mỹ vốn đã mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhưng cũng có thể làm tăng giá hàng hóa và hàng tiêu dùng.

Ông Trevor Greetham, quản lý cấp cao của công ty Royal London, cho rằng Fed có thể hạ lãi suất quá nhiều và dự đoán thị trường sẽ biến động mạnh hơn từ đây. Ông Neil Mehta, nhà quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management, cũng cảnh báo rằng Fed đang cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế đang "rất nóng" với tăng trưởng GDP ở mức 3% và lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu.

Ông Sheldon MacDonald, Giám đốc đầu tư của Marlborough, dự đoán thị trường có thể biến động mạnh hơn, vì các mức định giá trên thị trường chứng khoán cho thấy việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, nhưng giá trái phiếu chính phủ lại phát đi tín hiệu về khả năng suy thoái kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Tim Drayson, quản lý cấp cao của công ty quản lý đầu tư Legal & General Investment Management (LGIM), nhận thấy thị trường sẽ có nhiều biến động và rủi ro hơn. Ông cho biết LGIM, công ty quản lý tài sản lớn nhất của Anh, sẽ không thực hiện các giao dịch lớn về cổ phiếu và trái phiếu tại thời điểm này.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định lần này của Fed đã thể hiện những lo ngại về nền kinh tế. Ông Jack Manley, chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management, nhận định tình hình hiện tại đang rất “mờ mịt”, khi các dữ liệu ܫvĩ mô không được rõ ràng.

Theo ông, Fed đang nhìn vào nền kinh tế hiện tại để đưa ra nhận định rằng ngân hàng này đã đạt được tiến triển hơn dự đoán về lạm phát, nhưng ông cho rằng thị trường lao động đang bắt đầu suy yếu và có thể trở nên tồi tệ hơn. Với ông Manley, “đó không phải là một dấu hiệu tốt".

Chủ tịch Fed cho biết nếu ngân hàng này nhận được báo cáo việc làm tháng Bảy của Bộ Lao động Mỹ trước khi cuộc họp chính sách diễn ra cùng tháng, ngân hàng này có thể đã bắt đầu giảm lãi suất từ thời điểm đó.

Báo cáo việc làm tháng Bảy của Bộ Lao động, được công bố vài ngày sau cuộc họp ngày 30-31/7 của Fed, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% và tăng trưởng việc làm chậm lại.

Nói về quyết định chính sách mới nhất của Fed, ông Oscar Munoz, chuyên gia kinh tế của ngân hàng TD Securities cho rằng: “Có vẻ như Fed muốn bù đắp cho việc không giảm lãi suất vào tháng Bảy".

Đồng quan điểm, ông Ryan Sweet, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, cho biết Fed không thích thừa nhận đã có những sai lầm về chính sách, nhưng quyết định cắt giảm mạnh tay trong lần đầu tiên như thế này một phần có thể là để bắt kịp với diễn biến của thị trường vì Fed nhận thấy đã giảm lãi suất muộn mất một kỳ họp.

Tuy nhiên, ông Powell cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng mình đang chậm trễ (trong việc giảm lãi suất)", và quyết định hạ lãi suất nói trên là dấu hiệu cho thấy Fed cam kết sẽ không chậm chân.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định: "Kinh tế đang trong trạng thái tốt và quyết định của chúng tôi hôm nay nhằm duy trì trạng thái đó". Ông cho biết sự điều chỉnh lập trường chính sách này của Fed sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho những tiến triển hơn nữa về lạm phát, khi Fed bắt đầu quá trình chuyển sang một lập trường trung lập hơn.

Nhưng ông Powell cho biết lãi suất sẽ không đi theo một con đường "định sẵn”. Ông nhấn mạnh nếu lạm phát vẫn dai dẳng, Fed có thể nới lỏng chính sách “chậm rãi hơn”, và ngân hàng này trung ương "sẵn sàng hành động" nếu thị trường lao động bất ngờ suy yếu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục