Chính sách của Fed chi phối hướng đi của các ngân hàng trung ương toàn cầu

17:29' - 20/12/2024
BNEWS Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh vào phiên giao dịch 18/12, sau khi nâng dự báo lạm phát và đưa ra tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm tới.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh vào phiên giao dịch 18/12, sau khi nâng dự báo lạm phát và đưa ra tín hiệu sẽ cắt giảm lãi ๊suất ít hơn trong năm tới. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng chính sách của Fed đang tạo ra những thách thức mới đối với các ngân hàng trung ương toàn cầu và tác động tới chính sách lãi suất của họ trong thời ♛gian tới.

Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 17-18/12, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, lạm phát tại Mỹ năm nay đang "đi ngang" và Fed dự kiến chỉ giảm lãi suất hai lần vào năm 2025, ít hơn hai lần so với dự báo hồi tháng 9/2024. Sự thay đổi này, cùng với việc đồng USD mạnh hơn nhờ lãi suất cao và khả năng chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp đặt các chính sách thuế quan mới, đã làm gia tăng sự bất định về các chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn thế giới.

*Châu Á đối mặt với áp lực từ Fed

Lập trường thận trọng của Fed về việc cắt giảm lãi suất đã khiến hầu hết các đồng tiền châu Á suy yếu vào phiên 19/12. Đồng yen Nhật giảm 0,74% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong một tháng, trong khi đồng won Hàn Quốc và đồng rupee Ấn Độ đều giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25% vào ngày 19/12. Tuy nhiên, đồng yen yếu có thể trở thành yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của ngân hàng này trong năm 2025. Ông Shigeto Nagai, chuyên gia kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics, nhận định nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, BoJ có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ.

Trong khi đó, Trung Quốc gần đây bất ngờ thay đổi định hướng chính sách tiền tệ từ "thận trọng" sang "nới lỏng vừa phải", lần đầu tiên sau 14 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán chính sách của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định của Fed, dù áp lực đối với đồng NDT vẫn còn.

Ông Edmund Goh, chuyên gia thu nhập cố định tại công ty đầu tư toàn cầu Abrdn, cho rằng: “PBoC cần tập trung vào việc chống giảm phát và có khả năng chấp nhận việc NDT mất giá từ từ so với USD”.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6,5% nhưng có thể cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Hai tới, dù đồng rupee suy yếu đang đẩy lạm phát lên cao. RBI có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng nội tệ trong khi tiếp tục nới lỏng lãi suất.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) bất ngờ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng trước nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, áp lực từ đồng USD mạnh có thể khiến ngân hàng này phải cân nhắc lại mức độ nới lỏng chính sách trong thời gian tới.

*Châu Âu phản ứng thận trọng

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm sau quyết sách mới nhất của Fed, nhưng phản ứng không mạnh như châu Á. Đồng euro tăng 0,5% so với đồng USD, trong khi bảng Anh nhích nhẹ 0,1%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sau khi cắt giảm lãi suất lần thứ tư trong năm nay, đã hạ dự báo lạm phát cho năm nay và năm sau. Ông Matthew Ryan, chuyên gia tại Ebury, cho rằng tác động từ Fed đối với ECB là "tương đối nhỏ", nhưng các chính sách của Tổng thống Trump có thể gây áp lực lớn hơn.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) mới đây đã cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến, xuống còn 0,5%. Đồng franc yếu có thể khiến SNB duy trì lập trường chính sách thận trọng, nhưng họ muốn tránh quay lại mức lãi suất âm.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp cuối cùng của năm nay và dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,50 điểm phần trăm vào năm tới. Tuy nhiên, đồng bảng yếu hơn có thể làm tăng lạm phát nhập khẩu và hạn chế khả năng nới lỏng chính sách của ngân hàng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục