Gánh nặng bảo hiểm thiên tai ngày càng lớn đối với kinh tế thế giới

09:56' - 06/12/2024
BNEWS Swiss Re đặc biệt nhấn mạnh đến chi phí bảo hiểm lũ lụt đang gia tăng trong năm 2024. Chỉ riêng lũ lụt dữ dội ở châu Âu đã gây ra khoảng 10 tỷ USD thiệt hại được bảo hiểm trong năm nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, tập đoàn bảo hiểm Swiss Re ngày 5/12 đã công bố báo cáo cho thấy thiên tai gây ra thiệt hại kinh tế 310 tỷ USD trên toàn cầu vào trong 2024, tương đương mức tăng 6% so với năm ngoái.

Thông báo của tập đoàn cũng ước tính tổn thất được bảo hiểm tăng 17% theo năm lên 135 tỷ USD, với các cơn bão tàn phá khu vực Helene và Milton ở Mỹ cùng lũ lụt dữ dội ở châu Âu đẩy chi phí lên cao. Đây cũng là năm thứ năm liên tiếp tổn thất được bảo hiểm vượt quá 100 tỷ USD.

 
Ông Balz Grollimund – người đứng đầu bộ phận thảm họa và rủi ro của Swiss Re – nhận định: “Phần lớn gánh nặng ngày càng tăng này là kết quả của sự tập trung giá trị ở các khu vực thành thị, tăng trưởng kinh tế và chi phí tái thiết ngày càng cao”.

Swiss Re cũng nhấn mạnh đến tác động của biến đổi khí hậu, khi năm nay được dự đoán là năm nóng nhất trong thời gian qua. Theo đó, sự nóng lên toàn cầu có thể khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, không chỉ do nhiệt độ cao mà còn do hiệu ứng của lượng nhiệt tăng thêm trong khí quyển và biển.

Cũng trong báo cáo, Swiss Re đặc biệt nhấn mạnh đến chi phí bảo hiểm lũ lụt đang gia tăng trong năm 2024. Đây cũng là năm có chi phí bảo hiểm cao thứ ba trên toàn thế giới đối với loại rủi ro này và là năm có chi phí bảo hiểm cao thứ hai ở châu Âu. Chỉ riêng lũ lụt dữ dội ở châu Âu đã gây ra khoảng 10 tỷ USD thiệt hại được bảo hiểm trong năm nay.

Cùng với đó, Swiss Re cũng đề cập tới trận lũ lớn ở vùng Vịnh hồi tháng 4 năm nay, làm gián đoạn hoạt động tại sân bay Dubai. Còn tại Mỹ, bão Helene và Milton liên tiếp tấn công miền Đông Nam nước này vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10, gây ra thiệt hại được bảo hiểm ước tính lên tới 50 tỷ USD. Theo ước tính, cùng với tần suất cao của các cơn bão lớn, Mỹ chiếm ít nhất 2/3 ba tổng số tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu vào năm 2024.

Cuối cùng, Swiss Re cảnh báo rằng tổn thất được bảo hiểm toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trong khi giá trị tài sản tăng ở các khu vực có nguy cơ cao do đô thị hóa. Do đó, thích ứng là chìa khóa và các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như xây dựng hệ thống đê, đập và cống thoát nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục