Đồng Tháp đưa vào khai thác mỏ cát phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2

17:10' - 15/01/2025
BNEWS UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu nhà thầu khai thác cát theo đúng khối lượng, công suất, kế hoạch, phương pháp; chỉ cung cấp khoáng sản cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2.

🦋Ngày 15/1, tại sông Tiền, thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn phối hợp các sở, ngành liên quan 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang tổ chức lễ khởi công dự án khai thác cát phục vụ Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2. Mỏ cát này được UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho nhà thầu thực hiện thủ tục và khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội với trữ lượng cấp phép khai thác 300.000 m3.

 

Ông Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công) cho biết, sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2 (đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp) và bắt đầu khai thác. Đơn vị sẽ tập trung thiết bị, phương tiện và nhân lực khai thác, đưa cát về công trường. Trước mắt, sẽ phục vụ thi công đường công vụ, đường tiếp cận để phục vụ thi công các cầu và đắp gia tải, thử các đoạn xử lý nền đất yếu.

Cụ thể, khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò có diện tích 18,78 ha, trong đó, khu A là 7,88 ha và khu B là 10,9 ha. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt trong khu mỏ là 377.440 m3. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 300.000 m3.

Thiết bị khai thác là 2 xáng cạp (dung tích gàu mỗi xáng cạp 3,5 m3); mức sâu khai thác tối đa là -17m. Thời gian khai thác trong ngày từ 7 giờ đến 17 giờ, không khai thác vào ban đêm. Công suất khai thác không vượt quá 77.100 m3/tháng. Thời gian khai thác mỏ cát này là 4 tháng, kể từ ngày 15/1/2025, trường hợp khai thác đạt khối lượng tối đa là 300.000 m3 trước ngày 15/5/2025 thì dừng khai thác theo quy định.

Đến nay, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn được UBND tỉnh Tiền Giang cấp quyền khai thác 2 mỏ cát và UBND tỉnh Đồng Tháp cấp quyền khai thác 1 mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng gần 1 triệu m3, đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu của đơn vị về nguồn cát thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2.

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu nhà thầu khai thác cát theo đúng khối lượng, công suất, kế hoạch, phương pháp; chỉ cung cấp khoáng sản cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2; thống kê, kiểm kê, tổng hợp đầy đủ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo đúng quy định của pháp luật; thuê đơn vị có chức năng giám sát sự ổn định của đường bờ, khảo sát địa hình đáy sông trong khu vực khai thác nhằm đưa ra kế hoạch khai thác phù hợp, cảnh báo rủi ro khi có dấu hiệu bất thường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo toàn bộ nguồn cát khai thác cung ứng cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2; đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang cần thường xuyên kiểm tra, yêu cầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thực hiện đúng, đủ về yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát trong quản lý và khai thác theo quy định.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó, khoảng 3,8 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và hơn 7,6 km qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Dự án do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư. Dự án này có điểm đầu giao với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 (thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp🍬); điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục