Đồng Tháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

13:55' - 13/01/2025
BNEWS Tại Đồng Tháp, ứng dụng các công nghệ Internet vạn vật (IoT) và công nghệ viễn thám được xem là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt giúp tăng cường khả năng quản lý, giám sát đồng ruộng theo thời gian thực, hỗ trợ nông dân tối ưu hóa quy trình canh tác.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh đã triển khai 17 trạm giám sát côn trùng thông minh ở 8 huyện, thành phố, 33 trạm quan trắc giám sát chất lượng nước và giám sát mực nước thông minh. Ngoài ra, khi thí điểm mô hình sản xuất thông minh đối với cây khoai môn ở huyện Lấp Vò đã triển khai 14 hệ thống điều khiển cống tự động, 14 trạm bơm thông minh, 20 cửa đóng mở cửa lấy nước tự động, 30 trạm đo dinh dưỡng đất thông minh, trong đó có 24 trạm giám sát chất lượng nước và giám sát mực nước thông minh…

Tất cả dữ liệu được thu thập tự động theo thời gian, đồng bộ dữ liệu về nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp (VDAPES). Điều này không chỉ giúp ngành nông nghiệp quản lý tập trung, điều phối hiệu quả tình hình sản xuất mà còn hỗ trợ đưa ra quyết định kịp thời trong ứng phó dịch hại và biến đổi khí hậu. Đồng thời, nông dân được tiếp cận công nghệ hiện đại, chủ động hơn trong quản lý nguồn nước, phòng chống dịch hại, tối ưu hóa quy trình canh tác.

 
Việc triển khai đồng bộ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ IoT và viễn thám minh chứng cho sự đổi mới, quyết tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, ngành chức năng đã hỗ trợ, tư vấn cho 62,56% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, buôn bán trực tuyến. Đến nay, 20 Hội quán có ứng dụng IoT vào sản xuất, tăng 16 Hội quán so năm 2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm chức năng thu thập dữ liệu tự động thông qua công nghệ viễn thám nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng đất tại tỉnh, giám sát sự biến động của rừng qua từng mốc thời gian thực, giám sát giai đoạn sinh trưởng của lúa…

Việc đối chiếu kết quả thu thập từ dữ liệu tự động với dữ liệu điều tra thực địa nhằm đánh giá tính chính xác và độ tin cậy của thông tin. Kết quả này là cơ sở quan trọng để hoàn thiện và nhân rộng ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, phát triển nông nghiệp thời gian tới.

 

Các giải pháp ứng dụng công nghệ IoT và viễn thám vào nền tảng dữ liệu số nông nghiệp vừa mang tính mới, đột phá, không chỉ ứng dụng công nghệ cao mà còn phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hiệu quả đạt được rất rõ ràng như, giảm thiểu rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh, tiết kiệm nguồn lực sản xuất, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.

Huyện Tháp Mười là điển hình trong ứng dụng công nghệ IoT và viễn thám vào nền tảng dữ liệu số nông nghiệp. Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện chú trọng triển khai, nhân rộng mô hình hay trong chuyển đổi số như mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 triển khai thực hiện mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh và quan trắc môi trường; mô hình trồng cây ăn trái có ứng dụng hệ thống tưới tự động, ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả ở Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông; vùng sản xuất lúa ở ấp 5, xã Đốc Binh Kiều.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười cho biết, Hợp tác xã có 570 ha sản xuất lúa. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hợp tác xã xây dựng trạm giám sát sâu rầy thông minh, người dân có thể theo dõi tình hình sâu hại trên đồng ruộng qua điện thoại, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ, giúp bảo tồn nguồn thiên địch. Hợp tác xã còn lắp đặt được mạng lưới quan trắc nước, qua đó, giúp Hợp tác xã thống kê thông số môi trường nước tại các vị trí lắp đặt gồm, mực nước, độ mặn, độ Ph…Bảng thống kê thông số môi trường nước tại các vị trí lắp đặt giúp Hợp tác xã sản xuất hiệu quả 3 vụ lúa trong năm.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khẳng định, việc ứng dụng công nghệ IoT và viễn thám vào nền tảng dữ liệu số nông nghiệp góp phần chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục