Doanh nghiệp Mỹ tăng đầu tư, đón "sóng" AI

14:23' - 03/02/2025
BNEWS Mùa báo cáo lợi nhuận đang diễn ra sôi động và nhiều công ty cũng đang vạch ra kế hoạch chi tiêu cho tài sản cố định.
Không giống như các khoản chi có thể điều chỉnh một cách nhanh chóng khác như mua lại cổ phiếu, chi tiêu cho tài sản cố định đòi hỏi tư duy chiến lược dài hạn hơn và sự cam kết bền vững hơn. Các nhà máy không thể xây dựng trong một năm, và việc nâng cấp hệ thống có thể mất nhiều thời gian hơn thế.

Các khảo sát gần đây cho thấy các Giám đốc tài chính (CFO), đặc biệt là ở Mỹ, đang lạc quan về triển vọng kinh tế, mặc dù vẫn còn những lo ngại về tác động của thuế quan. Tổng thống Trump vừa thông báo áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như lãi suất và khả năng tiếp cận vốn cũng ảnh hưởng đến các quyết định chi tiêu.

 
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy chi tiêu cho tài sản cố định là trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là tại các công ty công nghệ lớn và có tiềm lực tài chính như Meta, Amazon, Microsoft và TSMC. Các công ty này đang tăng cường đầu tư vào AI, ngay cả sau khi DeepSeek - một mô hình AI chi phí thấp từ Trung Quốc - gây chấn động thị trường và làm dấy lên những nghi ngờ về mức độ đầu tư thực sự cần thiết.

Hiện tại, các công ty công nghệ lớn vẫn cho rằng việc chi mạnh tay cho các linh kiện tiên tiến nhất sẽ giúp họ có được lợi thế trong lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này. Bà Susan Li, Giám đốc tài chính của Meta, cho biết công ty có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào AI và chưa thể xác định chính xác đang ở giai đoạn nào của chu kỳ đầu tư này. Meta có kế hoạch phân bổ tới 65 tỷ USD cho chi tiêu cho tài sản cố định trong năm nay.

Trong khi đó, công ty bất động sản Prologis tân trang lại một số cơ sở và biến chúng thành các trung tâm dữ liệu. Công ty này có kế hoạch tăng chi tiêu cho tài sản cố định thêm khoảng 87%, lên 2,5 tỷ USD trong năm nay.

Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng chi tiêu cho tài sản cố định của các công ty thuộc S&P 500 ước tính sẽ vượt 1.100 tỷ USD trong năm 2025, so với mức 995 tỷ USD trong năm trước.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là về công nghệ. Công ty điều hành du thuyền Royal Caribbean đã tăng ngân sách chi tiêu cho tài sản cố định năm 2025 thêm hơn 50% so với năm trước, đạt 5 tỷ USD, khi công ty đầu tư vào các điểm đến mới, công nghệ và các chuyến du thuyền trên sông. Ông Naftali Holtz, Giám đốc tài chính của Royal Caribbean, cho biết công ty nhận thấy có một cơ hội lớn để giành thị phần.

Mặc dù Royal Caribbean mong muốn lấy lại xếp hạng tín dụng ở mức đầu tư, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tạo ra đủ tiền mặt để công ty này tăng cường chi tiêu. Ông Holtz cũng cho biết, nếu gộp tất cả các khoản đầu tư lại, công ty sẽ tạo ra được lợi nhuận rất hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của mình.

Ông Aaron Alt, Giám đốc tài chính của công ty dược phẩm Cardinal Health, cho biết việc cắt giảm thêm thuế suất doanh nghiệp, như đề xuất của Tổng thống Trump, có thể sẽ thúc đẩy công ty tăng đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Công ty có kế hoạch chi hơn 550 triệu USD cho chi tiêu cho tài sản cố định trong năm nay, tăng từ mức hơn 500 triệu USD của năm 2024. Cardinal Health đang đầu tư vào các trung tâm phân phối mới, cũng như robot và tự động hóa. Ông Alt cũng khẳng định, việc tự động hóa các quy trình sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh tế.

Bà Mika Ware, Giám đốc tài chính của công ty điều hành nhà hàng Brinker International, cho biết công ty cũng muốn tăng chi tiêu cho tài sản cố định. Brinker, công ty sở hữu hơn 1.100 nhà hàng, dự kiến sẽ chi tới 260 triệu USD cho chi tiêu cho tài sản cố định trong năm 2025, tăng từ mức 200 triệu USD của năm trước. Công ty đang cải tiến các nhà hàng và lắp đặt một loại lò nướng mới. Bà Ware cho biết thêm bà dự kiến ngân sách chi tiêu cho tài sản cố định của công ty sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới và đó là một sự thay đổi lớn đối với công ty này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục