Đằng sau việc các hãng xe điện Trung Quốc hướng đến châu Phi

05:30' - 16/11/2024
BNEWS Ai Cập đã thu hút được lượng đầu tư lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là vào Khu kinh tế kênh đào Suez khi các công ty tìm kiếm tuyến đường ngắn hơn đến các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Theo tờ South China Morning Post, các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc đang mở các đại lý và nhà máy lắp ráp hàng đầu tại châu Phi để mở rộng thị trường tại châu lục này. Việc xe điện Trung Quốc nỗ lực thâm nhập thị trường châu Phi là nhꦆằm né tránh thuế quan cũng như các hạn chế nhập khẩu khác do Mỹ và c☂hâu Âu áp đặt.

BAIC Group - nhà sản xuất ô tô quốc doanh của Trung Quốc và Zeekr - nhà sản xuất xe điện cao cấp của Geely Auto, đều đã công bố kế hoạch thâm nhập vào Ai Cập - một điểm đến quan trọng đối với những công ty muốn khai thác thị trường Trung Đông và châu Phi.

Dự kiến vào cuối năm 2025, BAIC Group sẽ bắt đầu sản xuất 20.000 xe điện/năm tại một nhà máy lắp ráp mà công ty đang thành lập tại Ai Cập. Con số này sẽ tăng lên 50.000 xe vào năm thứ 5 theo thỏa thuận với Alkan Auto - công ty con của Egyptian International Motors (EIM Group).

Phó Thủ tướng phụ trách Phát triển Công nghiệp Ai Cập Kamel al-Wazir đã chứng kiến thỏa thuận trên và nhấn mạnh rằng, khoản đầu tư này phù hợp với mục tiêu biến quốc gia Bắc Phi thành một trung tâm công nghiệp khu vực và bản địa hóa ngành công nghiệp ô tô mà Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi đã đặt ra. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết, Tổng cục Phát triển Công nghiệp Ai Cập đã phân bổ 120.000 m2 đất cho dự án. Với việc nhà máy EV bắt đầu sản xuất vào cuối năm tới, dự kiến cũng sẽ tạo ra khoảng 1.200 việc làm cho lực lượng lao động Ai Cập.

 

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu trong nước, nhà máy sẽ tận dụng lợi thế vị trí của Ai Cập (ngã ba của châu Á, châu Phi và châu Âu) để xuất khẩu xe điện sang các nước châu Phi khác và Trung Đông. Hiện nay, hơn 10% lượng thương mại toàn cầu đi qua Kênh đào Suez của Ai Cập – tuyến đường nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu - thị trường xe điện lớn nhất của Bắc Kinh.

Theo Chủ tịch của Tập đoàn BAIC Song Wei, công ty cam kết tăng cường sự hiện diện của mình tại thị trường Ai Cập, vì đây là "một trong những thị trường quan trọng nhất" trong khu vực. Tháng trước, công ty đã ra mắt một mẫu xe mới từ Ai Cập và đây cũng lần đầu tiên mẫu xe này ra mắt trên thế giới.

Ai Cập đã thu hút được lượng đầu tư lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là vào Khu kinh tế kênh đào Suez khi các công ty tìm kiếm tuyến đường ngắn hơn đến các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trong tháng 10/2024, nhà sản xuất xe điện Zeekr cũng đã công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Ai Cập vào cuối năm nay. Động thái này diễn ra sau khi Zeekr ký kết thỏa thuận phân phối với Tập đoàn EIM vào tháng trước để xây dựng mạng lưới bán hàng và dịch vụ tại Ai Cập. Theo bà Lauren Johnston - chuyên gia về Trung Quốc-châu Phi (hiện là Phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney), với việc Mỹ và châu Âu áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường thay thế. Bà cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc bị thu hút đến Ai Cập vì vị trí chiến lược và chi phí lao động rẻ (tiền lương chỉ bằng khoảng một nửa so với Morocco và cũng thấp hơn ở Nam Phi).

Bà nhấn mạnh: “Những yếu tố trên kết hợp với việc Ai Cập có nguồn ánh sáng Mặt trời dồi dào cho thấy đây là địa điểm phù hợp để mở các nhà máy lắp ráp liên quan đến năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Ai Cập cũng nằm trong khu vực hiệp định thương mại tự do châu Phi và cũng gần các thị trường thu nhập cao ở Trung Đông và châu Âu".

Động thái của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đã khiến số lượng tàu sử dụng Kênh đào Suez giảm (do các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ của lực lượng Houthi tại Yemen). Chuyên gia Johnston cho biết, việc chuyển sản xuất đến gần thị trường hơn sẽ tránh được những rủi ro này. Bà nhận định: "Bản thân Ai Cập đang mất rất nhiều tiền do lưu lượng giao thông qua Kênh đào Suez sụt giảm. Do đó, việc các doanh nghiệp xe điện đến Ai Cập là rất kịp thời đối với Ai Cập, cũng như Trung Quốc".

Theo ông Kai Xue – một luật sư tại Bắc Kinh và là người tư vấn về đầu tư trực tiếp nước ngoài và tài trợ xuyên biên giới, với mức thuế quan 100% được áp dụng, xe điện của Trung Quốc về cơ bản đã bị loại khỏi thị trường Mỹ. Tuy nhiên ông nhận định, các hãng xe điện như Chery tập trung vào các nước đang phát triển nên thuế quan của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) tác động đến kế hoạch của họ ở châu Phi.

Ví dụ, Chery có kế hoạch mở một dây chuyền lắp ráp tại Kenya. Luật sư Xue bày tỏ: "Khoản đầu tư này có thể đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi EU áp dụng thuế quan bổ sung mới đối với xe điện Trung Quốc vào tháng 7 và không liên quan đến việc trì hoãn việc mở nhà máy lắp ráp tại Tây Ban Nha gần đây".

Tuy nhiên, động thái mới nhất của các công ty xe điện tại Ai Cập là phù hợp xu hướng mở rộng hiện diện của Trung Quốc ở thị trường châu Phi. Những công ty xe điện khác của Trung Quốc bao gồm BYD Auto, Neta Auto EV và Xpeng cũng đã thâm nhập vào các thị trường như Morocco, Kenya, Rwanda và Nam Phi.

BYD đã giới thiệu ba mẫu xe điện tại Kenya vào tháng 9 và hiện đã có mặt tại 12 thị trường châu Phi sau khi ra mắt gần đây tại Zambia và Madagascar. Vào tháng 6, Neta – do Tập đoàn Zhejiang Hozon New Energy phát triển - đã ra mắt các mẫu xe của mình tại Kenya và công bố kế hoạch lắp ráp một số mẫu xe tại đó. Hiện nay, xe buýt điện do Trung Quốc sản xuất cũng rất phổ biến ở các quốc gia châu Phi như Ethiopia, Kenya, Rwanda và Nam Phi.

Morocco – quốc gia có vị trí chiến lược tại ngã tư giữa châu Phi và châu Âu và có hiệp định thương mại tự do với Mỹ và EU, cũng đang thu hút sự đầu tư của Trung Quốc vào xe điện và năng lượng mới.

Theo Giám đốc điều hành Saliem Fakir của Quỹ Khí hậu châu Phi, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ xe năng lượng mới của Trung Quốc trong thập kỷ qua, các công ty đang mở rộng dấu ấn toàn cầu của mình tại những thị trường khác nhau. Ông cho biết chỉ riêng trong năm 2023, xuất khẩu xe năng lượng mới của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng trưởng 291% so với năm 2022.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục