Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

18:07' - 27/12/2024
BNEWS Cà Mau đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Ngày 27/12, tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương vừa ban hành kế hoạch nhằm triển khai chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, Cà Mau đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

 
Cụ thể, đến năm 2030, Cà Mau sẽ cung cấp nguồn năng lượng điện cho khu vực với tổng công suất các dự án nguồn tăng thêm khoảng 960MW điện gió, 24MW điện sinh khối và 16MW điện sản xuất từ chất thải rắn, 15MW điện mặt trời mái nhà; xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải vận hành đồng bộ với các dự án nguồn điện và cấp điện cho phụ tải.

Để đạt mục tiêu đề ra, địa phương sẽ ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó phấn đấu đến năm 2031, Cà Mau xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo 2.000MW, đến năm 2035 là 3.000MW, đến năm 2040 là 5.000MW; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo không phát lên lưới cung cấp sản xuất hydro theo hướng phục vụ trong nước và xuất khẩu; phấn đấu khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển đã được xác định trong quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sản xuất hydro, với tổng công suất khoảng 86.248 tấn/năm.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau sẽ thực hiện tốt các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tổn thất điện năng đến mức thấp nhất, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045 theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước mắt, địa phương sẽ phối hợp, hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai dự án khai thác mỏ Khánh Mỹ - Đầm Dơi hoàn thành đúng tiến độ để cấp khí cho Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau vào quý II/2027 và các dự án khác cấp khí cho các hộ tiêu thụ khí tại Cà Mau; ưu tiên mời gọi đầu tư hệ thống trạm, kho nổi chứa khí và đường ống tái hóa khí nhập khẩu (hệ thống FSRU) đồng bộ đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cấp khí cho các hộ tiêu thụ khí khu vực Cà Mau, công suất khoảng 1 - 3 triệu tấn/năm giai đoạn 2026 - 2030.

Với những định hướng chiến lược trong phát triển năng lượng tái tạo, đã qua, Cà Mau đã có những bước đi khá chủ động, hứa hẹn trở thành điểm sáng, trung tâm năng lượng tái tạo không chỉ của vùng mà còn của cả nước.

Điển hình trong định hướng đó là Cà Mau đã có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng công suất 1.000 MW. Trong 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800 MW, có 5 dự án tổng công suất 170 MW, đã vận hành thương mại và 6 dự án tổng công suất 480 MW đang triển khai thi công, 3 dự án tổng công suất 125 MW đang thực hiện các thủ tục đầu tư để chuẩn bị thi công.

Ngoài ra, Cà Mau hiện có 41 dự án mới; trong đó, 29 dự án điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi (tổng công suất 7.712 MW); 10 dự án điện khí và các nguồn điện khác (tổng công suất 11.934 MW); điện gió, điện mặt trời không nối lưới mà để sản xuất hydro và xuất khẩu điện (tổng công suất 4.950-11.450 MW)…

Liên quan đến vấn đề này, quan điểm phát triển của tỉnh Cà Mau trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã nhấn mạnh việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm điều kiện, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; trong đó, năng lượng tái tạo được nhắc lại như là ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế (cùng với công nghiệp chế biến, khí - điện - đạm, hoá chất).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục