Trung Quốc thận trọng xem xét các biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ

18:00' - 03/02/2025
BNEWS Bắc Kinh tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kêu gọi Washington giải quyết bất đồng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Trong khi lãnh đạo Canada và Mexico nhanh chóng phản ứng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào một cuộc♉ chiến thương mại mới bằng việc áp thuế nhập khẩu mạnh tay đối với hàng hóa từ các nước này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra thận trọng trước khi Chính phủ công bố bất kỳ biện pháp đáp trả cụ thể nào.

 

Hôm 1/2, ông Trump thông báo sẽ áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa từ Canada, Mexico, với lý do các nước này không ngăn chặn hiệu quả dòng người nhập cư trái phép và ma túy vào Mỹ. Chỉ trong vài giờ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố mức thuế đáp trả 25% đối với 107 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa.

Trong khi đó, phản ứng của Trung Quốc có phần thận trọng hơn, giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Bộ Thương mại Trung Quốc cam kết thực hiện “các biện pháp trả đũa tương ứng”, nhưng không nêu chi tiết. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kêu gọi Washington giải quyết bất đồng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Giữa bối cảnh các mức áp thuế của Mỹ có hiệu lực từ ngày 4/2 (theo giờ Mỹ), ông Tập Cận Bình có nhiều công cụ để đáp trả ngoài thuế quan. Theo ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis SA, Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng hoặc hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với một số công ty Mỹ. Một loạt đạo luật được thông qua từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát lớn hơn đối với các giao dịch kinh doanh trong nước với lý do an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay phức tạp hơn so với cuộc chiến thương mại trước đây. Nếu trước đây Trung Quốc là mục tiêu chính, lần này, ông Trump còn đánh thuế một đồng minh với mức cao hơn – và có khả năng sẽ áp thuế thêm với Liên minh châu Âu (EU). Điều này tạo cơ hội để Trung Quốc củng cố quan hệ thương mại với các quốc gia khác, đồng thời giúp các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì lợi thế cạnh tranh.

Ở trong nước, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức hơn. Theo Bloomberg Economics, đợt áp thuế mới có thể ảnh hưởng đến 40% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, khiến GDP Trung Quốc sụt giảm 0,9%. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính mức thuế bổ sung 10% có thể kéo giảm tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng nhấn mạnh rằng động thái này “vẫn ít nghiêm trọng hơn những gì thị trường và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại”.

Xuất khẩu vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi Chính phủ nước này đẩy mạnh sản xuất để bù đắp sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản. Ngay cả trước khi thuế quan có hiệu lực, giới phân tích đã kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc tăng cường chi tiêu tài khóa để kích thích tiêu dùng và ngăn chặn áp lực giảm phát và giờ đây, điều đó càng trở nên quan trọng hơn.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd., Larry Hu, phản ứng của Trung Quốc đối với đợt áp thuế quan bổ sung lần này của Mỹ chủ yếu tập trung vào các biện pháp trong nước. Ông dự báo Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức khoảng 5%, ngang với mức của năm 2024.

Trung Quốc thường chỉ tung ra các biện pháp đối phó sau khi việc áp thuế quan chính thức có hiệu lực, giữ lại một khoảng thời gian ngắn để đàm phán kín. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã cam kết duy trì đối thoại sau cuộc điện đàm tháng trước.

Một tín hiệu về phản ứng chính sách của Trung Quốc có thể là việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT. Theo ông Brad Setser, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, đồng NDT đã giảm xuống mức 7,3 NDT/USD vào cuối năm 2023 - dấu hiệu cho thấy Chính phủ có thể sẵn sàng để đồng nội tệ suy y🍌ếu hơn nhằm hỗ trợ xuất khẩu, ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức  ngân hàng trung ương) đã mất nhiều tháng để bảo vệ tỷ giá đồng NDT.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục