Trang mới trong chính sách năng lượng của Nhật Bản?

06:30' - 20/09/2024
BNEWS Tình trạng nắng nóng trong những năm gần đây tại Nhật Bản ngày càng gay gắt và việc đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trở thành nhiệm vụ cấp bách.

🔴Theo báo Mainichi số ra mới đây, đợt nắng nóng vừa qua tại Nhật Bản được Cơ quan khí tượng nước này mô tả là “bất thường”. Thời tiết khắc nghiệt, kết hợp với tình trạng giá điện liên tục tăng cao, đã khiến người dân Nhật Bản cảm nhận rõ nét hơn về những hậu quả khủng khiếp mà biến đổi khí hậu gây ra.

Ngay sau khi kết thúc những tháng Hè oi ả thì Nhật Bản bước vào cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Giáo sư Oshima Kenichi, chuyên gia kinh tế Đại học Ryukoku nhận định, các chính trị gia Nhật Bản đang đứng trước những lựa chọn khó khăn giữa việc có nên tiếp tục dựa vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ hay quay trở lại với chính sách năng lượng hạt nhân.

Tình trạng nắng nóng trong những năm gần đây tại Nhật Bản ngày càng gay gắt và việc đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trở thành nhiệm vụ cấp bách. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là tại sao không có nhiều cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề này trước thềm bầu cử Chủ tịch LDP?

Chính sách năng lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển quốc gia, vì thế kỳ vọng của người dân là mong muốn tất cả các ứng viên có thể trình bày rõ ràng chính sách của mình, bao gồm cả việc xử lý năng lượng hạt nhân. Giá điện tăng cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ gia đình, khiến chính sách năng lượng trở thành một chủ đề nóng. Theo ước tính của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, đến năm 2030, nguồn năng lượng có chi phí thấp nhất sẽ là năng lượng Mặt trời dùng trong doanh nghiệp, chứ không phải năng lượng hạt nhân.

Các nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được nhập khẩu từ nước ngoài đang tăng giá phi mã do ảnh hưởng từ việc đồng yen mất giá. Hơn nữa, năng lượng hạt nhân, từng được Chính phủ Nhật Bản tuyên bố là “năng lượng siêu rẻ”, giờ đây đã được chứng minh có chi phí sản xuất cao hơn so với năng lượng tái tạo.

Hơn thế nữa, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2013. Tuy nhiên, trong Kế hoạch Năng lượng cơ bản của quốc gia, tỷ lệ năng lượng từ nhiệt điện là 40%, và năng lượng hạt nhân là 20-22%. Như vậy, dù năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chiếm 36-38% nhưng chính phủ nước này có vẻ muốn duy trì sự hiện diện của nhiệt điện và năng lượng hạt nhân, trong khi chỉ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong giới hạn nhất định.

 
Nhìn ra sự phát triển của năng lượng tái tạo trên thế giới, có thể thấy Nhật Bản ngày càng tụt hậu. Ví dụ tại một bang phía Nam của Australia, năm 2007, năng lượng Mặt trời và năng lượng gió chỉ chiếm 1% trong cơ cấu năng lượng của bang này, nhưng họ đã đặt mục tiêu có thể cung cấp 100% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo. Hiện tại, tỷ lệ này đã đạt 74%, và dự kiến sẽ đạt 100% vào năm 2027. Năng lượng gió và Mặt trời đóng vai trò chủ đạo, trong khi Chính phủ Australia vẫn khuyến khích lắp đặt các tấm pin Mặt trời trên mái nhà riêng lẻ. Khi sản lượng điện tăng, năng lượng được lưu trữ trong pin, và khi nhu cầu tăng cao, nguồn điện sẽ được cung cấp từ pin.

Đáng chú ý, vấn đề “năng lượng tái tạo thiếu tính ổn định” giờ đã lui về quá khứ. Thực tế cho thấy tại Australia, nơi có nguồn than đá và khí đốt tự nhiên khổng lồ, việc chuyển hướng sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vẫn là minh chứng rõ nét cho việc giá cả của nguồn năng lượng này rẻ hơn nhiều năng lượng hóa thạch.

Cựu Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro là người quyết tâm theo đuổi mục tiêu “giảm 46% lượng khí thải nhà kính so với năm 2013” và trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng nhiều quốc gia khác đang đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn. Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono Taro, người từng ủng hộ việc loại bỏ năng lượng hạt nhân, nay cũng đã thay đổi lập trường.

Chính quyền Thủ tướng Kishida đang xem xét xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới và cho phép gia hạn thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân hiện tại lên đến tối đa 60 năm. Tuy nhiên, không có ứng cử viên nào đưa ra các biện pháp tích cực nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, hoặc thay đổi lộ trình quay lại năng lượng hạt nhân. Trong khi thế giới đang đẩy mạnh hướng tới 100% năng lượng tái tạo, nếu Nhật Bản đi ngược lại xu thế này, quốc gia Đông Bắc Á này có nguy cơ sẽ bị tụt hậu so với các nước khác.

Chi phí vận hành mỗi năm của năng lượng tái tạo đang giảm nhờ những đột phá về công nghệ. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản tiếp tục "cố chấp" với các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá và hạt nhân, vốn không có dấu hiệu giảm giá, giá điện chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang.

Chính phủ Nhật Bản cần đặt ra mục tiêu đạt 100% năng lượng tái tạo, khuyến khích lắp đặt các tấm pin Mặt trời trên mái nhà của các hộ gia đình và lưu trữ năng lượng thông qua hệ thống pin như xe điện. Năm 2024 là thời điểm quyết định, vì kế hoạch năng lượng cơ bản sẽ được sửa đổi ba năm một lần.

Do đó, cuộc bầu cử Chủ tịch LDP lần này mang tính chất đặc biệt quan trọng. Những chính sách năng lượng sẽ được đề ra trong kế hoạch tiếp theo đang thu hút sự quan tâm lớn, thậm chí tác động lớn đến kết quả bỏ phiếu cuối cùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục