Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra và thăm hỏi nhân dân vùng lụt, bão tỉnh Phú Thọ

20:46' - 12/09/2024
BNEWS Chiều tối 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ.

Tham gia Đoàn công tác có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo nhanh về tình hình thiên tai, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ của tỉnh Phú Thọ tại buổi làm việc của Đoàn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ ngày 7 - l1/9 đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp các hồ thủy điện xả lũ làm mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên nhanh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo ứng phó xả lũ các hồ thủy điện; 15 lệnh Báo động lũ trên sông Bứa, sông Thao, sông Lô. Xuất kho dự trữ vật tư 10.500 bao tải để triển khai chống tràn trên tuyến đê tả, hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Hạ Hòa; xuất cấp 3.000 m3 bạt chống thấm và 1.700 bao tái Jumbo (kích thước 0,5 x 0,5 x 0,6 m) cho tỉnh Vĩnh Phúc theo chỉ đạo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai...

Khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và lãnh đạo Quân khu 2 đã có mặt tại hiện trường cùng với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên người bị nạn: chỉ đạo thực hiện các biện pháp trước mắt khắc phục sự cố và các giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông.

Tại Phú Thọ, thiên tai đã làm 2 người chết, 7 người bị thương và 9 người mất tích. Có tổng số 417 nhà dân bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái; 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất (tại huyện Đoan Hùng); phải di dời khẩn cấp 7.015 hộ dân do ngập lụt, sạt lở đất. Nhiều công trình y tế, giáo dục, văn hóa bị tốc mái, hư hỏng.

Thiệt hại về nông, lâm nghiệp, thủy sản: có 6.400 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ; 423 ha cây lâu năm, 168,5 ha cây trồng hàng năm, 327,1 ha cây ăn quả và 127 ha rừng đổ gẫy; 2000 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ... Thiệt hại về thủy lợi, đê điều, tuyến đê tả, hữu sông Thao trên địa bàn huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê bị tràn và xấp xỉ tràn đê, phải xử lý chống tràn...

Thiệt hại về giao thông, sạt lở khoảng 26.500m3 đất trên các tuyến đường giao thông; sập trôi trụ T7 và 2 nhịp cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C...

Nhiều cơ sở hạ tầng (thủy lợi, đê điều, giao thông, điện, trường học, y tế và cơ sở hạ tầng khác) của nhà nước bị thiệt hại và nhiều nhà cửa, tài sản củ🎉a nhân dân trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, thiệt hại.

Tuy nhiên, do tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, nhiều vùng bị ngập sâu, chia cắt nên còn nhiều thiệt hại chưa thống kê đầy đủ. Sơ bộ, tổng giá trị thiệt hại đến thời điểm hiện tại ước tính trên 250 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do sập cầu Phong Châu). Tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê, tổng hợp thiệt hại.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các tổ chức chính trị, UBND các huyện, thành, thị xã, tập trung lực lượng hỗ trợ chính quyền các xã vệ sinh trường học, trụ sở giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống...: triển khai các biện pháp khử trùng, tiêu độc; vệ sinh môi trường ở các khu vực bị tràn ngập.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đề nghị Trung ương quan tâm, giúp đỡ đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến quốc lộ 32 C hiện tại; đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại ngày càng tăng, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; xem xét, hỗ trợ đầu tư gia cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu và hệ thống tường chắn sóng thuộc đê tả, hữu sông Thao; hỗ trợ vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, bão hình thành phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa; hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ trên địa bàn.

Biểu dương, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống khắc phục hậu quả bão số 3 của tỉnh Phú Thọ và lực lượng quân đội, công an phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo tại những điểm nóng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả, cứu trợ nhân dân. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã đến các địa phương chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi động viên nhân dân vùng bão lụt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ưu tiên cao nhất đối với toàn bộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ là cứu dân, trong đó sức mạnh của lực lượng vũ trang là nòng cốt. Các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt” để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; sử dụng mọi nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tìm kiếm người mất tích, người chết; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống yêu nước, “tương thân tương ái”, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các gia đình, người dân bị nạn, bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại.

Về kiến nghị của tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, cầu Phong Châu là chỗ giao thông huyết mạch không phải chỉ cho Phú Thọ mà cho cả các tỉnh xung quanh. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu sẽ phải làm và hoàn thành sớm, khẩn trương khảo sát thiết kế, đánh giá cùng với địa phương và triển khai hoàn thành càng sớm càng tốt.

Đối với việc đầu tư nâng cấp đoạn đê xung yếu chắn sóng tại sông Thao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, tỉnh cần nghiên cứu và đưa vào triển khai thực hiện các công trình có sức chịu đựng cao trước bão lũ thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

*Nhân dịp này, Tổng Bí tᩚᩚᩚᩚᩚᩚ⁤⁤⁤⁤ᩚ⁤⁤⁤⁤ᩚ⁤⁤⁤⁤ᩚ𒀱ᩚᩚᩚhư🔴, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi quà tặng tỉnh Phú Thọ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao số tiền 30 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Phú Thọ khắc phục hậu quả do bão số 3.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục