Thị trường Halal còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

14:43' - 22/10/2024
BNEWS Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal trên thế giới hiện đang tăng lên do nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal. Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt. Vì vậy, Hội nghị Halal Việt Nam với chủ đề: Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hiểu rõ tiêu chuẩn Halal để tiếp cận và thành công ở thị trường này.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, thị trường hàng hóa Halal đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Các nước có dân số Hồi giáo lớn như Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Malaysia đang trở thành những thị trường tiềm năng cho sản phẩm Halal. Ngoài ra, các nước châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang dần mở rộng thị trường Halal tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm này.

 
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…. Thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực; trong đó, có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Bộ Công Thương cho biết: Ngoài các thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn ở Đông Nam Á thì các nước khu vực châu Phi - Trung Đông như Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... cũng là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm Halal. Thị trường sản phẩm công nghiệp Halal tại khu vực này có tiềm năng to lớn cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm khoảng 1.400 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên Tổ chức hợp tác hồi giáo (OIC) là 444,7 tỷ USD. Đặc biệt, các sản phẩm Halal được trao đổi chủ yếu gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang...

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương🔯) cho hay, do những lợi ích cho sức khỏe, môi trường nên hiện nay nhu cầu về sản phẩm Halal không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi giáo mà ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, châu Âu... gia tăng nhập khẩu sản phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, nếu so với mặt bằng chung giá cả sản phẩm thông thường, giá sản phẩm Halal thường cao hơn từ 5-10% và những người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm Halal sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm này. Vì vậy, thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Thế nhưng, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.

Là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế, ông Nguyễn Văn Cảm, Công ty CPV Food Bình Phước bày tỏ: Thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản. Hiện nay, CPV Food đã bán sản phẩm thịt gà Halal cho nhà hàng khách sạn và khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.

Khi đạt được chứng nhận Halal đã chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đồng nghĩa không có động vật bệnh và chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo.

𝕴Đại diện một số hợp tác xã chia sẻ, sản phẩm có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của người Hồi giáo nhưng khó khăn của hợp tác xã hiện nay chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này. Chẳng hạn như với thị trường Malaysia, chủ yếu mới chỉ có gạo, ớt nhưng vẫn còn xuất thô và qua một số đầu mối của Thái Lan nên giá trị không cao. Ngoài ra có thanh long, cà rốt, khoai lang, hạt điều nhưng xuất khẩu thô, còn những quả có múi vốn là lợi thế của Việt Nam lại chưa thâm nhập được. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Để hỗ trợ nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển thị trường sản phẩm Halal, bà Nguyễn Minh Phương cho biết: Dù chưa có các chương trình hỗ trợ dành riêng cho phát triển sản phẩm Halal nhưng Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal. Hơn nữa, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi - Trung Đông nói riêng. Hơn nữa, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư xúc tiến thị trường, tích cực tham gia chương trình, hoạt động hội chợ, kết nối giao thương... trực tiếp tại địa bàn thị trường.

Theo bà Nguyễn Minh Phương, doanh nghiệp có thể gửi hàng mẫu cho các Thương vụ tại địa bàn để giới thiệu, quảng bá với các đối tác. Khi có kế hoạch khai thác thị trường Trung Đông, các nhà sản xuất của Việt Nam có thể ký hợp đồng hợp tác với đối tác nhập khẩu tại khu vực này để sản xuất, cung ứng sản phẩm theo đơn đặt hàng, đáp ứng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng đặc thù, riêng biệt của người dân, thị trường này.

Ông Trần Trọng Kim Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia nhấn mạnh: Xu thế hiện nay mà Saudi Arabia đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Do đó, nhiều sản phẩm organic, thân thiện với môi trường được đánh giá cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm ngoài việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp muốn khai thác thị trường sản phẩm Halal cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm sản phẩm Halal và xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh...Đáng lưu ý, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal cho thị trường Trung Đông, doanh nghiệp cần có quy trình sản xuất đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn Halal. Mặt khác, cần đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing bài bản, phù hợp với thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục