Quảng Ninh: Nghiên cứu xây dựng Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao

18:33' - 10/12/2024
BNEWS Quảng Ninh xác định thiên nhiên, văn hóa và con người là ba trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 383-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức của các cả hệ thống chính trị, nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị được nâng lên. Những nội dung♍ về hệ giá trị con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Bản lĩnh, tự cường,🏅 kỷ cương, đoàn kết, nghĩa tình, hào sảng, sáng tạo, văn minh” và hệ giá trị đặc trưng của tỉnh là “Thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc” đã được thấm nhuần, tạo thành ý thức, khẩu hiệu thường trực trong từng cán bộ, đảng viên, người dân.

 

Năm 2024, các hoạt động văn hóa trong tỉnh diễn ra sôi nổi, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đa dạng về hình thức. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Tỉnh tích cực triển khai nhiệm vụ phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Điển hình, thành phố Hạ Long đang đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, trong đó, di sản văn hóa và thiên nhiên là nguồn lực, động lực tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương. Hạ Long đang kỳ vọng trở thành thành phố của hoa và lễ hội. Địa phương đã tổ chức thành công các lễ hội quy mô lớn như: Lễ hội Carnaval mùa hè, Carnaval mùa đông, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn cùng với Hội thảo quảng bá, xúc tiến du lịch Hạ Long năm 2024... Nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng trên nền tảng các nét văn hóa đặc trưng của miền di sản. Trong đó có dịch vụ nghe nhạc trên các tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long; sản phẩm du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm được đưa vào phục vụ du khách trên cơ sở khai thác, phát huy thiên nhiên núi rừng, bản sắc văn hóa vùng cao như Amvap Farm ở xã Kỳ Thượng, khu vực du lịch canh nông tại thôn Đồng Đặng (xã Sơn Dương)… Thành phố đã tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với quảng bá văn hóa, con người Hạ Long - Quảng Ninh...

Nhiều ý kiến cho rằng, là một vùng đất giàu bản sắc với 3 không gian văn hóa gồm núi đồi, đồng bằng và biển đảo, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nắm bắt được điều này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện thủ tục liên quan để triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Hạ Long.

Đây là động thái tích cực trong việc triển khai Kế hoạch 383-KH/TU, ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng công nghiệp văn hóa trên cơ sở bám sát các quy hoạch đã được phê duyệt để nghiên cứu phương án triển khai, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách, huy động các nguồn vốn xã hội hóa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục