Nỗi lo về thị trường tài chính Hàn Quốc tạm lắng

11:33' - 05/12/2024
BNEWS Ngày 4/12, thị trường tài chính Hàn Quốc đã trải qua hậu quả ít nghiêm trọng hơn dự kiến do lệnh thiết quân luật qua đêm, nhờ các phản ứng nhanh của các cơ quan tài chính.
Các nhà quan sát thị trường cho biết ngày 4/12, thị trường tài chính Hàn Quốc đã trải qua hậu quả ít nghiêm trọng hơn dự kiến do lệnh thiết quân luật qua đêm, nhờ các phản ứng nhanh của các cơ quan tài chính đã giúp ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của các chỉ số ngoại hối (FX) và cổ phiếu.

Chỉ số chứng khoán KOSPI đã giảm xuống mức thấp trong ngày là 2.442,46 điểm do đợt bán ròng của khối ngoại 380,5 tỷ won (269 triệu USD). Chỉ số này đã giảm thêm gần 2% so với mức mở cửa là 2.450,76 điểm, thấp hơn 1,97% so với phiên trước. Các nhà đầu tư bán lẻ và nhà đầu tư tổ chức đã mua ròng lần lượt 321,2 tỷ won và 37 tỷ won.

 
Tỷ giá đồng nội tệ Hàn Quốc so với đồng USD mở cửa ở mức 1.418,1 won/USD lúc 9 giờ sáng và dao động trong phạm vi từ 1.406 won đến 1.411 won. Đây là sự phục hồi sau đợt giảm mạnh qua đêm xuống 1.442 won, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Đồng tiền này được giao dịch ở mức 1.410,1 won/USD, tính đến 3h:30, giảm 7,2 won so với phiên trước.

Các nhà quan sát lo ngại thảm họa ngắn ngủi này có thể làm suy yếu uy tín của Hàn Quốc trên trường quốc tế, như được minh họa bằng các bức ảnh và video về tình hình bất ổn chính trị và xã hội tại Quốc hội. Điều đáng lo ngại không kém là đà phục hồi của đất nước đang suy yếu hơn nữa, bị cản trở bởi suy thoái kinh tế kéo dài trong nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ cao trong thời gian dài hơn, thắt chặt tài chính và chủ nghĩa bảo hộ trong nhiệm kỳ 2 của ông Donald Trump.

Ông Yoel Sano, người đứng đầu bộ phận Rủi ro Chính trị và An ninh Toàn cầu tại BMI, một đơn vị của Fitch Group, cho biết: "Chúng tôi dự đoán căng thẳng chính trị sẽ gia tăng trong thời gian tới". Việc ban bố thiết quân luật là rất bất thường trong một nền dân chủ lâu đời trong thời bình, đây là lý do khiến mức độ ủng hộ dành cho Tổng thống Yoon Suk Yeol chắc chắn sẽ giảm sút.

Chuyên gia kinh tế này cho biết điểm tích cực là khả năng phục hồi của các thể chế Hàn Quốc, được thể hiện rõ qua các biện pháp ứng phó nhanh chóng. Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi dự kiến tác động sẽ hạn chế đến nền kinh tế và thị trường tài chính vì Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) và Bộ Kinh tế và Tài chính đã trấn an các nhà đầu tư bằng những hành động nhanh chóng”.

Điều này liên quan đến cam kết của ngân hàng trung ương về việc mua lại không giới hạn, theo thỏa thuận mua lại tạm thời (repo) cũng như việc Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) bơm tổng cộng 50.000 tỷ won vào các quỹ bình ổn cổ phiếu và quỹ bình ổn Trái phiếu Kho bạc Hàn Quốc (KTB). Các biện pháp này diễn ra sau cuộc họp của Thống đốc BoK Rhee Chang Yong, Thống đốc FSC Kim Byoung Hwan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok và Thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính Lee Bok Hyun vào cuối ngày 3/12 và sáng ngày 4/12.

Biện pháp của BoK mở rộng repo cả về tần suất và phạm vi đối tượng tham gia thị trường đủ điều kiện. Quỹ ổn định FSC có thể giảm thiểu khả năng tăng đột biến các cuộc gọi ký quỹ do đồng won kích hoạt. Trước đây, các giao dịch repo của ngân hàng trung ương bị giới hạn trong một khung thời gian nhất định được xác định trước. Số lượng các bên cho vay trong nước và nước ngoài cũng như các nhà quản lý tài sản, các cơ quan trung ương của các hợp tác xã và công ty môi giới cũng bị giới hạn.

Phó Thống đốc BoK Park Jong Woo cho biết không có căng thẳng thanh khoản ngoại hối nào được ghi nhận. Ông cho biết trong một cuộc họp báo tại ngân hàng: “Tình hình thị trường tài chính ổn định so với đại dịch COVID-19 hoặc cuộc khủng hoảng Legoland. Sự lo lắng của thị trường sẽ được hạn chế, được hỗ trợ bởi chu kỳ nới lỏng hiện tại”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để ổn định nền kinh tế, hoạt động kinh doanh và đời sống người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Vivo