Nhiều yếu tố bất lợi đối với đồng euro

07:41' - 05/12/2024
BNEWS Trong 24 năm qua, đồng euro trung bình tăng 1,6% so với đồng USD trong tháng 12. Tuy nhiên, những diễn biến chính trị phức tạp ở cả Mỹ và châu Âu đang có khả năng phá vỡ truyền thống này.
Tháng 12 thường là thời điểm mà đồng euro khởi sắc mạnh nhất trong năm, với mức tăng ổn định nhờ sự suy yếu của đồng USD. Tuy nhiên, năm 2024, bất ổn chính trị tại châu Âu, mối đe dọa thuế quan từ Mỹ và căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang đặt dấu hỏi lớn về đà tăng theo mùa này của đồng euro.

 

Trong 24 năm qua, đồng euro trung bình tăng 1,6% so với đồng USD trong tháng 12. Tuy nhiên, những diễn biến chính trị phức tạp ở cả Mỹ và châu Âu đang có khả năng phá vỡ truyền thống này.

Sự tăng giá của đồng euro vào tháng 12 phần lớn không phải do các yếu tố nội tại của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), mà chủ yếu xuất phát từ các quy định thuế của Mỹ. Các tập đoàn Mỹ thường giảm lượng USD nắm giữ vào cuối năm bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài để giải quyết các nghĩa vụ thuế. Hành động này làm giảm nhu cầu đối với đồng USD trong tháng 12, từ đó gián tiếp thúc đẩy đồng euro và các loại tiền tệ khác tăng giá.

Tuy nhiên, sự suy yếu theo mùa này của đồng USD chỉ là tạm thời. Chỉ số đồng USD, đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt, trung bình giảm 0,91% vào tháng 12, nhưng tăng 0,88% vào tháng Giêng, khi các tập đoàn Mỹ hồi hương vốn sau khi lập kế hoạch thuế cuối năm. Tháng Giêng là tháng đồng USD phục hồi mạnh nhất trong năm.

Thế nhưng năm 2024 đang chứng kiến nhiều yếu tố bất lợi đối với đồng euro và các đồng tiền khác trong việc duy trì đà tăng thường thấy trong tháng 12. Mối đe dọa về việc công bố thuế quan đột ngột từ Mỹ có thể khiến các tập đoàn Mỹ chần chừ trong việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, bất ổn chính trị tại châu Âu, đặc biệt là ở hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp, đang gia tăng. Đức đang đối mặt với một bối cảnh chính trị phức tạp, trong khi Pháp đang chứng kiến các cuộc đình công và bất ổn xã hội. Những vấn đề này có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào khu vực Eurozone, dẫn đến giảm nhu cầu đối với đồng tiền này.

Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, bao gồm cuộc xung đột Israel (I-xra-en) -Hamas, căng thẳng Nga-Ukraine (U-crai-na) và những lo ngại về kinh tế Trung Quốc, đang làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD như một tài sản trú ẩn an toàn. Điều này có thể hạn chế sự suy yếu thường thấy của đồng USD vào tháng 12.

Sự kết hợp của các rủi ro này đang đặt ra câu hỏi liệu đồng euro có thể duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 12 năm nay hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục