Ngành sản xuất Nhật Bản đối mặt khó khăn khi kinh tế Trung Quốc trì trệ

08:54' - 04/11/2024
BNEWS Lợi nhuận của các nhà sản xuất Nhật Bản đã giảm sút trong nửa đầu năm tài khóa hiện tại (từ tháng 4-2024), khi kinh tế Trung Quốc chững lại.

Đây cũng là lần đầu tiên trong bốn năm qua, số lượng công ty Nhật Bản báo cáo lợi nhuận giảm vượt số công ty báo cáo lợi nhuận tăng. Ngành ô tô và vật liệu chịu ảnh hưởng nặng nề, trong khi các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) lại phát triển mạnh mẽ.

Theo dữ liệu của Nikkei, trong số 156 công ty Nhật Bản công bố kết quả kinh doanh trong quý I tài khóa 2024, có tới 74 công ty báo cáo lợi nhuận ròng sụt giảm và 9 công ty khác ghi nhận kết quả thua lỗ. Đây là tỷ lệ suy giảm cao nhất kể từ đại dịch COVID-19.

 

Lợi nhuận ròng của hãng sản xuất ô tô Mitsubishi Motors giảm 44% do nhu cầu sụt giảm tại Thái Lan và chi phí tiếp thị tăng cao tại Mỹ trước sự cạnh tranh khốc liệt. Koito Manufacturing, nhà sản xuất đèn pha, báo cáo lợi nhuận ròng giảm 56% vì nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô Nhật tại Trung Quốc sụt giảm.

Kyocera ghi nhận doanh số bán linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu sụt giảm, giữa bối cảnh những hãng xe này đang chịu tác động bất lợi từ xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của Kyocera giảm 36% trong nửa đầu tài khóa 2024.

Lợi nhuận trong lĩnh vực vật liệu bị bào mòn do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, khiến dư thừa thép và hóa chất tràn vào các khu vực lân cận. Công ty Tokyo Steel Manufacturing bị thu hẹp biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng giảm 37% trong nửa đầu tài khóa này, trong khi Sumitomo Chemical lỗ ròng năm thứ hai liên tiếp do ngành hóa dầu chưa phục hồi.

Kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu chững lại. Doanh số bán máy móc xây dựng của công ty Hitachi Construction Machinery tại Bắc Mỹ giảm do các đại lý ngần ngại mua sắm vì chi phí tăng cao và lãi suất Mỹ cắt giảm chậm hơn dự kiến. Chủ tịch Hitachi Construction, Masafumi Senzaki, cho biết: "Việc phục hồi nhu cầu máy móc xây dựng có thể bị hoãn đến năm tài chính sau".

Tỷ giá yen trung bình đạt 152 yen/USD trong giai đoạn từ tháng Tư tới tháng Chín năm nay, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều này không đủ để bù đắp những khó khăn khác. Lợi nhuận hoạt động của Komatsu tăng 39,2 tỷ yen nhờ đồng yen yếu, nhưng lợi nhuận ròng lại giảm lần đầu tiên trong bốn năm do doanh số bán giảm và chi phí tăng cao.

Ngược lại, nhu cầu về AI lại là chiếc “phao cứu sinh” cho những công ty như Advantest – nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip bán dẫn, với lợi nhuận ròng của công ty này tăng 170% trong nửa đầu tài khóa 2024 nhờ nhu cầu mạnh từ AI tạo sinh. Nitto Denko cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 81% trong cùng kỳ, nhờ nhu cầu vật liệu mạch điện sử dụng trong các trung tâm dữ liệu AI tạo sinh.

Triển vọng lợi nhuận ngày càng khó khăn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới có thể khiến thị trường ngoại hối và lãi suất biến động mạnh. Chính sách thương mại của ch🌌ính quyền mới của Mỹ sẽ có tác động lớn tới kinh tế toàn cầu.

Ông Shingo Ide, chiến lược gia tại Viện Nghiên cứu NLI, nhận định: "Nếu đồng yen tăng vượt mốc 140 yen/USD, các nhà chế tạo Nhật có thể phải đối mặt với khó khăn lớn hơn".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục