Không nóng vội chuyển đổi cây trồng khi giá cà phê neo ở mức cao

16:26' - 22/07/2024
BNEWS Giá cà phê lên cao, nông dân không nên nóng vội chuyển đổi cây trồng, mà cần sản xuất theo hướng bền vững để đáp ứng tốt yêu cầu thị trường cũng như giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

ꦯSau khi đạt mức đỉnh lịch sử trên 130.000 đồng/kg, dù có biến động lên xuống, song giá cà phê vẫn neo ở mức khá cao. Giá cà phê lên cao, người trồng năm nay có được lợi nhuận khá tốt, tạo sức hút nhiều nông dân đến với cây cà phê. Song nông dân cũng không nên nóng vội chuyển đổi cây trồng, việc phát triển cây cà phê cần theo hướng bền vững để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường cũng như giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

Giá cà phê hôm nay (22/7) dao động từ 126.500 – 127.200 đồng/kg, tùy địa phương. Trên thị trường thế giới, giá cà phê thế giới vẫn có xu hướng tăng. Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9/2024 tại thị trường London có thời điểm giao dịch vượt 4.600 USD/tấn, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2023.  Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2024 có thời điểm vượt 5.400 USD/tấn, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê thế giới tăng do thông tin về tình hình nắng nóng tại các nước sản xuất cà phê chính như Brazil và Việt Nam gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê trong niên vụ 2024/2025.

Theo Tổ chức cà phê Thế giới (ICO), 8 tháng niên vụ 2023/2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), xuất khẩu cà phê nhân đạt 84 triệu bao, tăng 11,6% so với niên vụ trước; xuất khẩu cà phê rang đạt 0,48 triệu bao, tương đương với khối lượng xuất khẩu niên vụ trước; cà phê hòa tan đạt 8,24 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ niên vụ 2022/2023.

Trong 9 tháng đầu niên vụ 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, tương đương 86% sản lượng (khoảng 1,47 triệu tấn) của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ 2022/2023. Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra vào tháng 11 năm 2024.

Theo một số doanh nghiệp, hiện sản lượng cà phê tồn kho trong nước không còn nhiều, chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa. Các doanh nghiệp không dám mạo hiểm ký hợp đồng mới khi giá cả liên tục biến động mạnh cùng với đó là chi phí vận chuyển khá cao.

Trước đây, nông dân ở một số khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đã từng ồ ạt chặt bỏ cây cà phê, để chuyển sang trồng sầu riêng. Nay cà phê được giá, đem lại lợi nhuận tốt cũng không ít nông dân có ý định chuyển cây trồng khác sang cà phê. Việc chuyển đổi cây trồng thiếu tính toán, thiếu kiểm soát, vì lợi nhuận nhất thời và không theo định hướng từ các cơ quan chuyên môn đã được các địa phương, chuyên gia cảnh báo là có thể đem lại rất nhiều rủi ro trong tương lai.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, nông dân chỉ nên trồng tái canh cây cà phê trên nhữngdiện tích già cỗi, kém hiệu quả. Không ồ ạt mở rộng diện tích trồng mới để giữ ổn định ngành cà phê. Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo bà con giữ ổn định diện tích canh tác. Không nên thấy giá cao mà tập trung đầu tư, mở rộng vùng trồng.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ lực của cà phê Việt Nam là châu Âu ngày càng có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, tính bền vững trong sản xuất... Điển hình là Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU sẽ được áp dụng vào tháng 1/2025.

🦹Công ty cổ phần Phúc Sinh đã xác định xây dựng một ngành hàng phát triển bền vững nên trước khi quy định của EU ra đời, doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất cà phê bền vững từ năm 2012. Liên tục mở rộng diện tích sản xuất hàng năm với mục tiêu đạt tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (Rainforest Alliance), ông Nguyễn Duy Tâm, Giám đốc Phát triển bền vững - Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, cuối năm 2024, doanh nghiệp sẽ có những diện tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn này và khi đó sẽ đáp ứng yêu cầu quy định EUDR của EU.

Là địa phương có diện tích cà phê đứng thứ 3 ở Tây Nguyên, Đắk Nông đang phát triển các vùng chuyên canh cà phê theo hướng tập trung theo các tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh hiện có hơn 23.500 ha cà phê được công nhận theo các tiêu chuẩn như 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Tổng sản lượng ước tính trên 82.000 tấn mỗi năm. Hiện Đắk Nông cũng đang thực hiện các bước để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Nông. 

Giá cà phê neo cao nhiều tháng qua tạo sức hút mạnh mẽ nông dân tại nhiều địa phương bắt đầu quay trở lại với cây cà phê. Ngành nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo người dân chỉ phát triển cà phê tại những khu vực có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp và đảm bảo nguồn nước. Không phát triển cà phê ồ ạt, nhất là tại các khu vực không phù hợp nhằm hạn chế các rủi ro, thiệt hại.

Sơn La đang là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê Arabica lớn nhất cả nước với hơn 20.000 ha, sản lượng quả tươi hơn 400.000 tấn/năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, cà phê Sơn La ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành hàng.

Hiện Sơn La đã có trên 16.700 ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương như cà phê hữu cơ, RA, 4C... Ngoài mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cũng đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai Dự án “Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica, đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”.

Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa tạo hình cây cà phê Arabica tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu. Trung tâm khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác cà phê Arabica bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo từng giai đoạn phát triển của cà phê, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê Sơn La.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục