Hầu hết các tổ chức quốc tế đều tăng dự báo về kinh tế Việt Nam

17:51' - 07/12/2024
BNEWS Thông tin về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 7%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, hầu hết các tổ chức quốc tế đều tăng dự báo về kinh tế Việt Nam.

💯Tại phiên họp báo Chính phủ chiều ngày 7/12, thông tin về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 7%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, hầu hết các tổ chức quốc tế đều tăng dự báo về kinh tế Việt Nam. Đây là nhận xét khách quan của các tổ chức với Việt Nam.

 

Thực tế này cho thấy trong quý cuối năm 2024, nếu không có biến động lớn xảy ra, tác động tiêu cực bên ngoài thì sẽ có cơ sở đạt mục tiêu 7% của năm 2024. Qua rà soát lại các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, có thể thấy cơ hội gia tăng thêm. Trước hết là về xuất khẩu, tín hiệu thị trường tương đối tốt, đơn hàng quay trở lại và đang gia tăng xuất khẩu. Các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá, thị trường đầu tư thế giới có vẻ ảm đạm nhưng ở Việt Nam đầu tư vẫn rất tốt. Chỉ số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy những tháng gần đây gia tăng trở lại số doanh nghiệp đăng ký mới.

“Chúng ta mạnh dạn tin rằng với điều hành của Chính phủ thì nền kinh tế không những phục hồi mà gia tăng và tin tưởng vào tăng trưởng đầu tư năm 2024” – Thứ trưởng Phương đánh giá.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Với tiêu dùng, mặc dù có những lo ngại tiêu dùng hàng hóa của nước ngoài, đặc biệt là thương mại điện tử vào thị trường trong nước, song với thị trường trong nước đang tích cực, đặc biệt là cuối năm, có thể gia tăng thêm.

Do đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, với những động lực như vậy có thể kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7% so với mục tiêu Quốc hội giao. Năm 2025, Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu là 8% là vì tiếp nối đà tăng trưởng năm 2024.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong năm tới cũng có những nhân tố mới, với những thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thể chế, chính sách, khi Quốc hội thông qua một loạt các luật với tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn. Luật này có hiệu lực từ đầu năm 2025, nên sẽ kích thích tăng trưởng, giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc, tháo gỡ tăng trưởng cho năm 2025.

“Mức phấn đấu 8% là để chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc. Dự thảo Nghị quyết 01/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giải pháp chỉ đạo điều hành là hướng tới tâm thế đạt 8%”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Về kết quả kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phục hồi, phát triển tốt.

Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 8,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 8,8%; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đạt 50,8 điểm, thể hiện sản xuất, đơn hàng tiếp tục mở rộng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,69%, kiểm soát lạm phát tốt dù tăng lương cơ bản và tín dụng tăng cao hơn so thời điểm 2023. Tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định; dư nợ tín dụng tăng gần 12%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm với xuất khẩu gạo đạt gần 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,3% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cũng đã tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4% và xuất siêu trên 24,3 tỷ USD.

Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh với tổng thu 11 tháng đạt 106,3% dự toán, tăng 16,1%. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực với giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đạt 60,43% kế hoạch. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng quy mô lớn được đẩy mạnh. Thu hút FDI là điểm sáng, tính chung 11 tháng đạt 31,4 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Trong 11 tháng đã có 218.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tập trung xử lý quyết liệt các dự án tồn đọng, kéo dài; trong đó đã báo cáo Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài, một số dự án đã có lãi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục