Hậu Giang: Các khu, cụm công nghiệp thu hút được 113 dự án

16:28' - 08/10/2024
BNEWS Các khu, cụm công nghiệp thu hút được 113 dự án với tổng vốn đầu tư trên 37.600 tỷ đồng và 617 triệu USD.

꧒Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp thu hút được 113 dự án với tổng vốn đầu tư trên 37.600 tỷ đồng và 617 triệu USD. Các dự án đầu tư vào địa bàn đã giải quyết việc làm cho trên 33.800 lao động.

 
Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho biết, để đạt được kết quả trên, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thông qua các buổi đối thoại, cà phê doanh nhân, họp mặt cùng lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các đoàn đi xúc tiến, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh tỉnh Hậu Giang đến các nhà đầu tư. Thông qua nhiều giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều tin tưởng đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04 (Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo), trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, Sở Công Thương đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch chi tiết. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy 2 khu công nghiệp đạt khoảng 93%; tỷ lệ lấp đầy 7 cụm công nghiệp khoảng 73%.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, kết quả này là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban nhân tỉnh. Các cấp, ngành và chính quyền luôn lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn với phương châm "2 nhanh, 3 tốt" ("Giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh" và "cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt"). Trong giai đoạn 2021-2030, Hậu Giang sẽ có 7 khu công nghiệp với diện tích trên 1.700 ha; 5 cụm công nghiệp với diện tích 250 ha. Trên cơ sở này, Sở Công Thương tỉnh kiến nghị Hậu Giang cần đẩy mạnh việc tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư từ các khu, cụm công nghiệp; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vào các khu, cụm công nghiệp, kết nối vào các trục cao tốc đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến năm 2030, Hậu Giang có các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn, đây là lợi thế lớn của tỉnh cần tập trung khai thác. Song song đó, cần tập trung lan tỏa hình ảnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi đến với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo cơ sở pháp lý, tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang khẳng định, tỉnh sẽ tập trung xây dựng nền tảng bền vững cho tăng trưởng và tạo động lực mới trong thu hút đầu tư. Cụ thể, tỉnh bố trí vốn đầu tư công tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá cho phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án tái định cư đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt giải phóng mặt bằng các dự án đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp tỉnh. Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề cao để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn lao động chất lượng cao.

Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành: công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics.

Hậu Giang phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh phấn đấu đến năm 2050 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước và là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục