Gia Lai thu về hơn 800 triệu USD từ xuất khẩu các sản phẩm chủ lực

19:04' - 17/12/2024
BNEWS Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu của Gia Lai đạt hơn 800 triệu USD với các sản phẩm chủ lực gồm: cà phê xuất khẩu hơn 620 triệu USD, cây ăn quả xuất khẩu hơn 150 triệu USD…

Theo báo cáo của ngành công thương tỉnh Gia Lai, năm 2024, tỉnh Gia Lai có tổng giá trị xuất khẩu hơn 800 triệu USD với các sản phẩm chủ lực gồm: cà phê xuất khẩu hơn 620 triệu USD, cây ăn quả (chanh leo, sầu riêng, chuối…) xuất khẩu hơn 150 triệu USD…

Trước diễn biến giá các mặt hàng nông sản đang tăng cao sau nhiều năm, theo ông Dương Mạnh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, các địa phương sẽ phải ổn định phát triển diện tích cây trồng theo kế hoạch, tránh chạy theo giá thị trường gây mất cung cầu sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quản lý và phát triển, sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng nông sản.

 

Bên cạnh đó, việc phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, tiêu thụ, nhằm tạo ra sản lượng lớn theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu cũng đặc biệt được quan tâm, chú trọng. Như vậy, khi đã phát triển cây trồng bền vững, cho năng suất bền vững thì niềm vui, niềm phấn khởi của người dân mới bền vững theo.

Thời điểm cuối năm 2024 một số mặt hàng hàng nông sản đang thu hoạch trên địa bàn tỉnh Gia Lai có giá bán ở mức cao như: cà phê 110.000 đồng/kg nhân, hồ tiêu hơn 140.000 đồng/kg, mủ cao su 45 triệu đồng/tấn, chanh leo dao động 20.000-50.000 đồng/kg. Ngoài đồng ruộng, tiếng nói cười rộn rã của nông dân đang kỳ thu hoạch báo hiệu một năm mới nhiều khởi sắc.

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với trên 100.000 ha; trong đó, gần 60.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Organic... Cà phê của Gia Lai đã xuất khẩu đi thị trường 60 nước trên thế giới, năm 2023 cho kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 490 triệu USD.

Theo ông Hoàng Thi Thơ, Phó chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, niên vụ 2024-2025, giá cà phê đang duy trì ở mức cao là động lực để nông dân tái đầu tư sản xuất và cũng là niềm vui mừng cho bà con nông dân. Đầu năm cũng xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến sản lượng của nông nghiệp nói chung; trong đó, có cây cà phê, nhưng với các khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, bà con đã biết cách chăm sóc đạt các tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng, trong đó phải đảm bảo độ chín của cà phê thì mới bán được giá cao, đặc biệt là nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thiện, xã Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết, gia đình có khoảng 1.400 cây cà phê, hiện cà phê đang được mua với giá 31.000 đồng/kg tươi, nên doanh thu cũng mang lại cho gia đình hơn 300 triệu đồng. Đây là mức giá cao kỷ lục, thậm chí tăng hơn gấp 3 lần so với 2 năm trước, nên gia đình rất phấn khởi.

Cùng niềm vui được giá, được mùa, với gần 200 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, gia đình anh Nguyễn Thiện Nhật, thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh thu được hơn 10 tấn quả sầu riêng, giá bán tại vườn hiện đang hơn 70.000 đồng/kg loại 1, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về gần 400 triệu đồng. Tính cả 1,5 ha cà phê đang xen canh thì gia đình anh Nhật thu về khoảng 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không chỉ cà phê mà giá hồ tiêu, cao su, chanh leo, sầu riêng... dịp cuối năm cũng đang ở mức cao khiến người trồng, hợp tác xã cũng như doanh nghiệp sản xuất vui mừng. Rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có một mùa vụ thắng lợi khi giá các mặt hàng nông sản vượt xa ngoài mong đợi. Tuy nhiên, những bài học đắt giá của việc người dân tự ý phát triển ồ ạt diện tích cây trồng sau khi giá nông sản tăng cao đã khiến những người làm nông nghiệp bền vững có phần e ngại.

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho biết: Để các mặt hàng nông sản phát triển ổn định, người dân cần tập trung canh tác theo hướng bền vững, trồng đa canh để tránh rủi ro.

Ông Công cho rằng, với giá tăng cao như hiện nay, người dân đổ xô đi trồng cà phê, kéo theo hệ lụy cây giống lại sốt và được đẩy giá lên cao. Điều này không chỉ gây bất lợi cho người dân mà còn phá vỡ cấu trúc của cả ngành nông nghiệp. Theo ông Công, để phát triển bền vững các mặt hàng nông sản, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền nhằm tuyên truyền, khuyến cáo người dân, không nên chạy đua theo lợi nhuận trước mắt mà tự ý mở rộng diện tích. Vì quá nhiều bài học đắt giá từ cây hồ tiêu, chanh leo đã minh chứng cho điều này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục