Đức lo ngại về “bi kịch ngân sách” tại Pháp

06:30' - 19/10/2024
BNEWS Khoản nợ công "khổng lồ" của Pháp, cũng như những bất ổn chính trị tại nước này trong những tháng gần đây, đang mang đến cho Chính phủ Đức nỗi ám ảnh về "một Hy Lạp mới"

🐼Theo báo Le Point, trong “tầm nhìn” của Đức, một thành viên Liên minh châu Âu (EU) nổi tiếng khắt khe về ngân sách và tài chính công, tình trạng thâm hụt và nợ công của đối tác Pháp chẳng khác nào một “bi kịch” và hệ lụy của nó có thể vượt ra ngoài biên giới nước láng giềng này.

Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Christian Lindner, đã để mắt tới Pháp từ lâu. Ngay trước vòng một bầu cử sớm cuối tháng 6/2024 tại Pháp, ông Christian Lindner đã không ngần ngại dự đoán về một “thảm kịch ngân sách” nếu Paris tiếp tục theo đuổi một chính sách tài chính công quá lỏng lẻo. Khi đó, quan chức này bày tỏ lo ngại các kế hoạch chi tiêu của chính phủ mới của Pháp - trong trường hợp đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia hoặc liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới giành thắng lợi - sẽ khiến thị trường biến động mạnh.

Hai ngày trước khi dự luật tài chính năm 2025 của Pháp được trình lên Hội đồng Bộ trưởng nước này, ông Christian Lindner đã đưa ra khuyến nghị với người đồng cấp Pháp Antoine Armand về vấn đề tài chính công. Bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng châu Âu tại Luxembourg, ông Christian Lindner một lần nữa bày tỏ quan ngại trước quy mô thâm hụt chi tiêu công của nước láng giềng. 

 
“Liên minh tiền tệ yêu cầu các nước thành viên tôn trọng những quy định chung về ngân sách”, ông Christian Lindner nhắc nhở và nhấn mạnh rằng “thâm hụt ngân sách và nợ công phải được giảm một cách hợp lý để có thể mang lại một nguồn cung cấp tài chính ổn định và hiệu quả”. Theo ông, sự ổn định của Pháp và 19 quốc gia khác trong EU sử dụng đồng tiền chung trong 25 năm đang đứng trước rủi ro lớn.

Dư luận Đức đang thực sự có mối lo ngại không nhỏ về tình hình của nước láng giềng. Khoản nợ công của Pháp, đối tác kinh tế và chính trị số một của Đức tại EU và là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, cũng như những bất ổn chính trị trong những tháng gần đây, đang mang đến cho Berlin nỗi ám ảnh về "một Hy Lạp mới". Trong mắt nhiều nhà phân tích Đức, với mức thâm hụt tương đương hơn 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay (so với 1,9% GDP ở Đức) và khoản nợ công tương đương hơn 112% GDP, Pháp đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính có nguy cơ khiến nước này rơi vào tình trạng khó khăn. làm mất niềm tin của thị trường.

Những nỗ lực mà chính phủ mới của Pháp cam kết thực hiện nhằm giảm thâm hụt công trong khuôn khổ dự thảo ngân sách năm 2025 (đặc biệt là những khoản cắt giảm đáng kể được công bố và sự đóng góp của những người giàu nhất vào nỗ lực ngân sách) đã được phân tích kỹ lưỡng tại Bộ Tài chính ở Berlin.

Bộ trưởng Christian Lindner thậm chí còn cho rằng mức trần thâm hụt 3% GDP do Hiệp ước Bình ổn EU thiết lập, vốn giới hạn nợ ở mức 60% GDP, cũng là quá cao. Là người bảo vệ quyết liệt chính sách phanh nợ nổi tiếng được quy định trong Hiến pháp Đức năm 2009, vốn hạn chế thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức 0,35% GDP để ngăn chặn tình trạng vượt quá ngân sách, ông luôn nỗ lực tranh luận với các đối tác Dân chủ - Xã hội và Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền ở Berlin để bảo vệ các nguyên tắc được đặt ra.

Trên thực tế, các đối tác của ông Christian Lindner thường có xu hướng muốn chi tiêu nhiều hơn. Nhưng ông vẫn tỏ rõ lập trường kiên quyết trong suốt cuộc đàm phán, yêu cầu các bộ ngành khác hạn chế tham vọng và từ bỏ những mong muốn thái quá về ngân sách. Kết quả là ba đảng trong liên minh cầm quyền đã phải đàm phán vất vả trong nhiều tháng và dự thảo ngân sách năm 2025 của Đức cuối cùng đã được thông qua vào ngày 5/7 trước khi đưa ra trình Quốc hội thảo luận. Về phần mình, Thủ tướng Scholz muốn nước Đức tiếp tục là một “cực ổn định” trong một thế giới đang khủng hoảng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Vivo