Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi): Đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công

16:02' - 01/10/2024
BNEWS Ngày 1/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Ngày 1/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều c🏅ủa Luật Chứng khoán, L🔯uật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý Thuế, Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Các Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

 

Trước tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực IV góp ý một số nội dung liên quan đến Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019 quy định “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách Trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31/12 năm sau".

Dù tại khoản 2 Điều 64 của “Đề cương chi tiết Luật đầu tư công” đã được tiếp thu, chỉnh sửa như sau “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp được cấp có thẩm quyền bổ sung vốn cho bộ, cơ quan Trung ương, địa phương sau ngày 30/9 năm kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được bổ sung đến hết ngày 31/12 năm sau" nhưng theo ông Nguyễn Đình Tuấn, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn của các dự án được bố trí vốn theo dự toán giao trong năm. Do đó, dự án không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao trong năm kế hoạch tính đến hết ngày 31/1 năm sau như quy định hiện hành.

Sau thời điểm này, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án phải chờ cấp thẩm quyền thông báo số kế hoạch vốn được phép bổ sung, thực hiện các thủ tục bổ sung thì mới tiếp tục được giải ngân số kế hoạch vốn chưa giải ngân hết theo quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực đầu tư công, chậm giải ngân kế hoạch vốn còn lại. Do đó, đại diện Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV đề nghị, điều chỉnh quy định về thời gian và thẩm quyền theo hướng phân cấp so với quy định hiện hành để đảm bảo tính chủ động và linh hoạt cho địa phương.

Mặt khác, Luật Đầu tư công 2019 quy định kế hoạch đầu tư công được xây dựng cho cả giai đoạn 5 năm và trên cơ sở kế hoạch tài chính trung hạn cùng Chiến lược, kế hoạch vay trả nợ công trung hạn chỉ là định hướng khung kế hoạch 5 năm. Việc cụ thể hóa nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào kế hoạch ngân sách hằng năm và tình hình thực hiện thu ngân sách thực tế. Điều này dẫn đến có địa phương thực hiện không đạt dự toán thu ngân sách liên tục nhiều năm, gây rủi ro bội chi ngân sách và nợ đọng xây dựng cơ bản. Do đó, Dự án Luật cần bổ sung quy định xử lý cụ thể đối với trường hợp trên.

Liên quan đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng; quy mô dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C nâng gấp 2 lần so với quy định hiện hành, do các yếu tố trượt giá thời gian qua.

Tại Hội thảo, một số ý kiến đề xuất điều chỉnh nội dung liên quan đến việc phân loại dự án Đầu tư công. Cụ thể, theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2019, dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án.

Theo quy định này, các dự án bố trí vốn đầu tư công bao gồm các dự án cải tạo. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy điều này mất nhiều thời gian gâyꩲ khó khăn trong thực hiện và không đáp ứng được nhu cầu sửa chữa cấp bách, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên của các dự án. Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, các đại biểu đề xuất cần sửa điểm a, khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2019 cho phù hợp với thực tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục