Đột phá trong phát triển giao thông ở Đồng Nai

17:40' - 19/11/2024
BNEWS Những năm gần đây, Đồng Nai đã trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được triển khai, góp phần kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.

🐻Dù là cửa ngõ phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh và là địa phương nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, song trước đây hệ thống giao thông ở Đồng Nai ít được đầu tư. Điều này không chỉ gây khó khăn cho quá trình phát triển của địa phương mà còn ảnh hưởng đến toàn vùng. Những năm gần đây, Đồng Nai đã trở thành đại công trường với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được triển khai. Bước đột phá này góp phần kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.

 

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài hơn 54 km, từ Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu; trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài trên 34 km. Đây là tuyến đường giúp giải tỏa áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 đã quá tải trầm trọng; kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian gần đây, với sự vào cuộc của ngành chức năng, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đoạn qua Đồng Nai có những chuyển biến tích cực, nhà thầu đẩy nhanh thi công.

Đến nay, gói thầu số 21, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã có hơn 80% mặt bằng sạch. Liên danh nhà thầu huy động khoảng 350 nhân lực, máy móc triển khai 14 mũi thi công cầu và đường. Với phần đường nhà thầu đang tập trung đắp nền, thử cấp phối đá dăm, cuối tháng 11 này bắt đầu thảm nhựa một số đoạn.

Ông Trần Văn Huyện, Giám đốc Ban điều hành gói thầu 21, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cho biết, tại gói thầu 21 vấn đề mặt bằng, đất đắp nền đường cơ bản đã được giải quyết, tiến độ gói thầu đảm bảo. Liên danh nhà thầu quyết tâm hoàn thành gói thầu vào cuối tháng 12/2025.

Sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha, tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, là dự án giao thông có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay có công suất 100 triệu hành và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Hiên sân bay Long Thành đã đồng loạt triển khai nhiều gói thầu lớn như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, sân đỗ tàu bay, 2 tuyến giao thông kết nối. Trên công trường liên danh nhà thầu huy động gần 9.000 nhân lực, máy móc thi công cả ngày lẫn đêm, tiến độ các gói thầu được đảm bảo. Dự kiến tháng 9/2026 sân bay sẽ hoàn thành.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc đưa sân bay Long Thành vào khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới cho quá trình phát triển không chỉ riêng Đồng Nai mà của cả nước. Thay đổi vị thế kết nối quốc tế của Việt Nam. Xóa tắc nghẽn trong kết nối giao thông của khu vực phía Nam và quốc gia.

Ông Trần Đình Thiên chia sẻ: Việt Nam chưa có công trình giao thông đủ lớn, đủ tầm để kết nối quốc tế, làm điểm trung chuyển quốc tế. Sân bay Long Thành mang sứ mệnh lớn lao nhằm giải quyết tắc nghẽn quốc gia, kết nối Việt Nam với thế giới. Ngoài ra, khi đi vào hoạt động sân bay Long Thành tạo ra áp lực tự nhiên, buộc giao thông đường bộ, đường sắt phải thay đổi, phát triển hoàn thiện nhằm kết nối giữa sân bay với toàn vùng.

Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là đô thị có lịch sử hàng trăm năm, là thành phố nằm ven sông Đồng Nai với nhiều lợi thế phát triển. Trước đây, hệ thống giao thông, cảnh quan đô thị của Biên Hòa ít được đầu tư, thiếu điểm nhấn. Những năm gần đây, Đồng Nai đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, chỉnh trang đô thị. Điển hình là các dự án xây dựng Hương lộ 2, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.

Dự án đường ven sông Đồng Nai có chiều dài hơn 5 km, lộ giới 34 m, vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2021. Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành phần kè, với phần đường nếu mặt bằng sớm được bàn giao sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối với các tuyến đường hiện hữu tạo thành trục giao thông mới, đồng thời tạo ra không gian rộng, hiện đại ven sông Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai hiện có hiện có 19 dự án trọng điểm cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó có 8 dự án đang triển khai, còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư, bồi thường. Các dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương mà còn góp phần kết nối vùng, quốc gia. Vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án là chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ.

🐬Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tới đây Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, đường Vành đai 4 – Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc – Nam, Biên  Hòa – Vũng Tàu, Thủ Thiêm – Long Thành. Ngoài ra, tỉnh cũng xây mới, mở rộng nhiều tuyến giao thông kết nối các địa phương của tỉnh với sân bay Long Thành như: Đường 769, đường 770B, đường 773.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đất đai, xây dựng; bố trí quỹ đất xây dựng các khu tái định cư. Tỉnh đề ra chính sách hỗ trợ tiền tạm cư cho những hộ tự nguyện di dời phục vụ dự án nhưng chưa được cấp đất tái định cư. Lên phương án ưu tiên cho những trường hợp phải chuyển chỗ nhưng không đủ điều kiện tái định cư được thuê, mua nhà ở xã hội.

Những năm gần đây, hệ thống giao thông của Đồng Nai đã có bước phát triển vượt bậc. Tới đây, còn rất nhiều công trình giao thông đường bộ, đường sắt mang tính kết nối quốc gia, kết nối vùng được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Để dự án triển khai nhanh, ngành chức năng Đồng Nai cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục