Độc đáo thương hiệu hoa giấy bonsai

18:50' - 18/01/2025
BNEWS Bằng kinh nghiệm,tay nghề trong lĩnh vực trồng cây cảnh, những nghệ nhân trồng hoa giấy ở làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã làm chủ kỹ thuật sản xuất hoa giấy bonsai.

Từ việc trồng nhỏ lẻ, đến nay đã có nhà vườn cung cấp hơn 1.20🐠0 cây hoa giấy bonsai các loại cho thị trường Tết 2025.

 

Chị Hoàng Thị Thu (40 tuổi), nhà vườn Ngọc Thu (xã Phù Đổng) cho biết, hoa giấy bonsai - một sản phẩm hoa giấy được trồng phổ biến và nổi tiếng ở miền Nam được du nhập vào làng nghề hoa giấy Phù Đổng vào khoảng năm 2020. Trung bình thời gian để tạo một cây hoa giấy bonsai thành phẩm mất từ 3-4 năm, qua những công đoạn chính như ươm cành, tạo bầu, tạo thế và ghép hoa; trong đó, công đoạn tạo bầu và tạo thế là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo và tay nghề cao của người thợ trồng hoa. Lá và hoa của cây hoa giấy bonsai gốc Mỹ nguyên bản thường chỉ có một màu (màu hồng là chủ yếu, ngoài ra còn có màu trắng, hoặc màu vàng). Để cây không còn vẻ đơn điệu, nghệ nhân thường ghép trung bình từ 3-5 loại hoa giấy với nhiều màu khác nhau lên cây.

Nhận thấy thế mạnh của giống hoa giấy bonsai vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, cây có sức đề kháng tốt so với các giống hoa giấy truyền thống ở nước ta, gia đình chị Hoàng Thị Thu đã mạnh dạn mua giống và trồng thử 500 gốc. Qua nhiều năm sưu tầm và nhân giống, đến nay, nhà vườn của chị Thu đã có hơn 30 loại màu hoa giấy khác nhau như cẩm thạch, tím tuyết, trắng tuyết, đỏ hồng tuyết...; trong đó, có một số loại hoa giấy đổi màu liên tục trong thời gian ra hoa như tiểu Ấn Độ, Monduring, Golden Sunshine…

Anh Trần Đình Huy (39 tuổi, trú thôn Phù Đổng 3, xã Phù Đổng) cũng cho biết, gia đình anh trồng 4 mẫu hoa giấy, các mặt hàng chủ yếu là hoa giấy Mỹ, Thái Lan. Các cây giá bán dao động từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng, cây cho công trình sẽ có giá bán cao hơn. Năm nay, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và nhận thấy thị trường có nhu cầu về dòng hoa giấy bonsai. Hơn nữa dòng này, khách hàng dễ chơi, không chỉ để ngoài trời, do nhỏ gọn - nên có thể để trong nhà. Gia đình anh Huy đã đầu tư 30 triệu đồng, trồng 400-500 cây hoa giấy bonsai. Hiện tại, tháng 1/2025 đang triển khai trồng và dự kiến sẽ cho thu hoạch vào mùa Tết năm sau. Với giá cây có tuổi 1 năm, giá sẽ dao động từ 300.000-400.000 đồng.

Với phương châm đa dạng hóa sản phẩm qua việc phát triển dòng sản phẩm hoa giấy mới (hoa giấy bonsai), xã Phù Đổng ngày càng khẳng định được thương hiệu của làng nghề hoa giấy lớn nhất miền Bắc. Đến đây trong dịp Xuân mới này, du khách, khách hàng không khỏi ngỡ ngàng trước những sắc màu sặc sỡ của hoa giấy.

Năm nay, nhờ chủ động về nguồn giống, kỹ thuật ghép hoa, giá hoa giấy bonsai được trồng tại miền Bắc có giá thành "hạ nhiệt" hơn so với mọi năm, dao động từ 300.000 - 3.000.000 đồng/cây, bán chủ yếu cho thị trường miền Bắc và các tỉnh miền Trung.

Là xã nằm bên bờ sông Đuống đất đai rộng rãi, Phù Đổng có lợi thế phát triển mạnh ngành nông nghiệp, chăn nuôi. Ngoài sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô bãi, rau màu thì nghề chăn nuôi bò sữa ở đây cũng khá phát triển và phân bố ở nhiều thôn và nhiều xóm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ cá thể. Đặc biệt, nghề trồng hoa giấy, cây cảnh đã được thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận làng nghề. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn trong xã thay đổi tích cực.

Nghề trồng hoa giấy, cây cảnh phát triển mạnh nhất là ở khu vực đường từ hầm chui Quốc lộ 1 mới hướng đi xã Trung Màu. Gần đây, một số ít hộ cũng chuyển dần sang nghề buôn bán tuy nhiên quy mô và số lượng tham gia còn rất khiêm tốn so với một số xã khác cùng ở cụm Bắc Đuống như: Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Yên Thường, Yên Viên...

Từ ngày 15/1 đến ngày 26/1, UBND huyện Gia Lâm tổ chức khai mạc Hội chợ hoa xuân năm 2025 chào mừng huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hội chợ Hoa xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ huyện Gia Lâm được tổ chức với quy mô 60 gian hàng tại tuyến phố Thuận An, khu đô thị 31 ha, thị trấn Trâu Quỳ.

Tại đây trực tiếp giới thiệu hơn 100 mặt hàng, sản phẩm hàng hoá ngày tết, sản phẩm hoa, cây cảnh, hoa tết đặc trưng của huyện và các các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề tiêu biểu như Kiêu Kỵ, Bát Tràng, Phù Đổng, Kim Lan, Dương Xá… Đặc biệt, năm nay tại Hội Chợ xuân có sự góp mặt của 16 gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu đền từ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Đây là dịp để các làng nghề, các doanh nghiệp và nông dân huyện Gia Lâm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề và các hoạt động giải🌠 🤡trí gắn với ngày Tết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục