Đề xuất giảm thêm lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

11:34' - 23/07/2024
BNEWS Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ đề xuất thay đổi mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà. Theo đó, sẽ giảm 3% so với mức lãi suất vay thông thường thay vì chỉ giảm 2% như hiện tại.

Liên quan đến gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ đề xuất thay đổi mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà. Theo đó, sẽ giảm 3% so với mức lãi suất vay thô𝔍ng thường thay vì chỉ giảm 2% như quy định hiện tại. Ngân hàng Nhà nước đề xuất thời gian điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ thay đổi 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm và trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giả🍨m lãi suất tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú công bố tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra tại Hà Nội sáng hôm nay 23/7.

Theo Phó Thống đốc, những đề xuất mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay, tránh tình trạng lãi suất bị đẩy cao khi hết thời gian ưu tiên, gây tâm lý lo lắng cho người mua nhà.

Bên cạnh đó, ông Đào Minh Tú cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đang tham gia gói tín dụng 120 nghìn tỷ, còn 4 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng muốn tham gia gói này với quy mô vốn là 5 nghìn tỷ đồng/ ngân hàng. Như vậy sẽ có thêm 20 nghìn tỷ đồng tham gia vào gói cho vay ưu đãi này.

"Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại và tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tham gia hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, làm sao hài hòa với các chính sách hiện tại", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cập nhật đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

"Tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 ở mức âm nhưng từ tháng 3 tới nay xu hướng tăng trưởng đã tích cực hơn, phản ánh thực tế khách quan của nền kinh tế. Ở giai đoạn này, nền kinh tế đang dần khởi sắc, dòng tiền tích cực hơn, cầu đầu tư tăng, kéo theo đó là cầu tín dụng cũng tăng lên", Phó Thống đốc cho hay.

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Mức mất giá của đồng VND vào khoảng 4,4% so với đồng USD, tuy nhiên, đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới.

Về thị trường vàng, đây là một trong những vấn đề nóng thời gian qua khi giá vàng SJC trong nước cao hơn nhiều giá vàng thế giới nên Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại nhận thấy chưa hiệu quả, chưa tác động tích cực trong kiểm soát giá nên Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bán trực tiếp qua các ngân hàng thương mại Nhà nước. Ông Đào Minh Tú đánh giá bước đầu giải pháp này đã phát huy hiệu quả, kiểm soát được giá vàng SJC không chênh lệch quá lớn với giá thế giới.

"Giá bán vàng miếng SJC trên thị trường trong nước đã giảm mạnh, chênh lệch trên 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được. Tuy nhiên, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đang cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu để có biện pháp căn cơ phù hợp trong thời gian tới, làm sao phát huy vai trò quản lý nhà nước hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo thị trường hoạt động thông thoáng", Phó Thống đốc cho hay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024.

Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản 30 nghìn tỷ đồng…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục