Đảm bảo an ninh thị trường vàng được đặt lên hàng đầu

12:40' - 30/07/2024
BNEWS Trong nửa đầu năm 2024, sự biến động mạnh của giá vàng trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ đến tình hình tỷ giá, lạm phát.

Do đó, sự bình ổn của thị trường vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tại Tp. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn của cả nước, việc đảm bảo an ninh thị trường vàng đang được các cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu.

 

Thành lập Tổ công tác

UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa có quyết định thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn thành phố. Tổ công tác này có nhiệm vụ tổ chức thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tình hình về khách hàng mua bán vàng miếng; triển khai phối hợp thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vàng của các cơ sở kinh doanh mua, bán vàng miếng và sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo và tham mưu UBND thành phố, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp góp phần ổn định tình hình thị trường vàng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.

Theo phân cấp trách nhiệm, đại diện Công an Tp. Hồ Chí Minh là Tổ trưởng Tổ công tác phối hợp các thành viên trong Tổ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà thành viên đó là đại diện. Tổ trưởng có trách nhiệm tập hợp tình hình, tham mưu UBND thành phố các giải pháp góp phần ổn định tình hình thị trường vàng nói chung và trên địa bàn nói riêng.

Chỉ đạo lực lượng Công an thành phố theo thẩm quyền để triển khai công tác nắm tình hình, phát hiện các cá nhân, tổ chức nghi vấn buôn lậu vàng, hoạt động mua gom vàng để đầu cơ trục lợi; triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra làm rõ nghi vấn, đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật hình sự (trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm) hoặc chuyển giao thông tin cho các cơ quan chức năng xử theo quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh là Tổ phó Tổ công tác có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao Công an thành phố thông tin, tài liệu danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng SJC của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố (hàng ngày); nghiên cứu các giải pháp và tham mưu các đơn vị trên chủ động phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua vàng, thu gom vàng; cung cấp kịp thời cho lực lượng Công an thành phố, quận, huyện để triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

Các thành viên trong tổ công tác này còn có đại diện Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế thành phố có nhiệm vụ tham gia phối hợp trong thanh tra, giám sát, làm rõ nghi vấn mua gom vàng, thuê mua vàng, buôn lậu vàng, trốn thuế…

Ngoài ra, Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức, các quận, huyện thành lập tổ công tác cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc. Các tổ cô🏅ng tác này có nhiệm vụ triển khai việc nắm tình hình tại các điểm bán vàng miếng trên địa bàn, phát hiện các nghi vấn mua gom vàng miếng, các dấu hiệu vi phạm pháp luật; chỉ đạo, tham mưu, đề xuất thực hiện việc xác minh, kiểm tra, xử lý các trường hợp nghi vấn liên quan đến mua gom vàng miếng đầu cơ trục lợi.

Tăng quản lý vàng trang sức mỹ nghệ

Ngoài việc thành lập tổ công tác quản lý an ninh thị trường vàng nói chung, Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, trong vai trò là cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn nêu rõ những yêu cầu quy định pháp luật và trách nhiệm phải thực hiện.

Theo đó, các doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có đăng ký sản xuất vàng trang trức mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mới đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận. Mọi hồ sơ và quy trình thủ tục cấp Giấy được giải quyết theo quy trình ISO trên tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hồ sơ và quy trình giải quyết thủ tục sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ được công khai minh bạch và thuận lợi theo đúng quy trình ISO và được thực hiện với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trong lĩnh vực này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, kể cả sự phiền hà, nhũng nhiễu có thể gọi điện trực tiếp về cho đường dây nóng (028 3821 1230) hoặc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh”,  ông Lệnh cho biết.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng lưu ý, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là lĩnh vực có mối liên quan và tác động trực tiếp đến thị trường vàng, hiệu quả điều hành vĩ mô, ổn định thị trường và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, yêu cầu về tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán vàng phải được đảm bảo và chấp hành quy định pháp luật…

Trên thực tế, dù là ngành nghề thủ công truyền thống, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ lại liên quan đến vàng – một loại hàng hóa đặc biệt, có mối liên hệ chặt chẽ đến chính sách tiền tệ quốc gia. Do đó, việc quản lý và thực thi pháp luật đối với ngành nghề này góp phần quan trọng vào sự bình ổn thị trường vàng, ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Trong nửa đầu năm nay, cùng với sự biến động mạnh của giá vàng, các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố cũng tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát các cơ sở vàng trang sức mỹ nghệ nhằm bình ổn thị trường vàng nói chung.

Theo Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, trong đợt kiểm tra chuyên ngành về vàng trang sức từ đầu năm đến 15/7/2024, đơn vị này đã kiểm tra phát hiện 196 vụ vi phạm, tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hơn 14,2 tỷ đồng. Đồng thời, xử phạt hành chính với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Trong quá trình xác minh, xử lý, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại c꧟ác cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác địn🐎h là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục