Chỗ dựa “tin cậy” của đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng

20:38' - 15/01/2025
BNEWS Những người có uy tín trong các dân tộc đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở Sóc Trăng.

Tỉnh Sóc Trăng꧃ có 35,44% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%, dân tộc Hoa chiếm 5,22%. Những người có uy tín trong các dân tộc đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia thực hiện tốt các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở Sóc Trăng.

 

Gương mẫu đi đầu

Tại huyện Thạnh Trị, Thượng tọa Thích Định Hương, Trụ trì chùa Vĩnh Phước (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho biết, năm 2024, bản thân ông tiếp tục vận động các nhà hảo tâm cùng tập thể Chùa Vĩnh Phước, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng trên 20 cây cầu nông thôn tại các huyện Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Xuyên...

Thượng tọa Thích Định Hương chia sẻ: Hiện nay, một số nơi ở vùng nông thôn của tỉnh giao thông vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó việc vận động nhà hảo tâm cùng chính quyền địa phương xây cầu là rất cần thiết, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận lợi trao đổi mua bán hàng hóa. Gần 5 năm qua, ông đã tham gia vận động xây dựng hơn 100 cây cầu nông thôn, giúp đời sống người dân vùng nông thôn được cải thiện; tham gia vận động tặng hàng nghìn phần quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh hiếu học.

Thượng tọa Trần Văn Tha, Chi hội trưởng Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trần Đề (Phật giáo Nam tông) cho hay, khi tiếp cận được các chính sách mới hay chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, Chi hội sẽ triển khai để các thành viên lồng ghép tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Khmer trong các buổi sinh hoạt Phật giáo tại chùa, để đồng bào nắm thêm kiến thức pháp luật, phát triển kinh tế, an tâm lao động sản xuất. Theo Thượng tọa Trần Văn Tha, trong thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ, Chi hội đã tuyên truyền để đồng bào Khmer chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện, được bà con đồng tình cao, đóng góp tiền, ngày công, vật chất…

Ông Quách Vũ Xuân (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khner chia sẻ, hằng năm, ông đều được tham gia các lớp tập huấn về phổ biến giáo dục pháp luật để về địa phương tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Khmer, giúp đồng bào thêm hiểu về chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Qua đó giúp đồng bào Khmer thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, tránh được các hành vi vi phạm pháp luật.

💝Ông Kim Cươl (phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu) cho biết, cùng với việc được Nhà nước hỗ trợ vốn làm ăn, làm nhà, đào tạo nghề, những điều chưa hiểu, chưa biết về pháp luật thì người dân ở vùng đồng bào Khmer đều nhờ người có uy tín truyền đạt. Từ đó bà con nắm vững hơn quy định của pháp luật, tránh được những việc làm vi phạm.

"Cầu nối" của cấp ủy Đảng, chính quyền

Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 611 người có uy tín (dân tộc Khmer có 520 người, Hoa có 76 người, Kinh có 15 người). Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, quan tâm chăm lo, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2024, người có uy tín đã vận động nhân dân, nhà hảo tâm đóng góp 4.207 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới như: xây 21 cầu nông thôn, 4 căn nhà, làm 3.336m đường nông thôn… Người có uy tín cũng vận động ủng hộ cho sự nghiệp giáo dục địa phương 394 triệu đồng, cho an sinh xã hội tại các địa phương trên 154 tỷ đồng; tham gia 2.460 cuộc hòa giải ở cơ sở, đóng góp 1.937 ý kiến kiến nghị với chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, tại Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho biết, từ nhiều nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, Sóc Trăng đã đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Hiện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 99% hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia, 99,65% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có uy tín được cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện đúng quy định. Chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin, biểu dương khen thưởng người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng Lưu Văn Xem cho rằng, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng là "cầu nối" của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với đồng bào dân tộc thiểu số, là “cánh tay nối dài” trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thời gian tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nhằm bồi dưỡng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tiếp tục khẳng định vai trò người có uy tín trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục