Chính sách nào để chủ động nguồn cung phân bón trong nước?

17:43' - 09/09/2024
BNEWS Nhiều ý kiến lo lắng đưa mặt hàng phân bón trở lại diện chịu thuế VAT 5% có thể khiến giá phân bón tăng cao hơn trong khi nhiều ý kiến lại khẳng định lợi ích mang lại cho cả "ba nhà".

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) (thuế VAT) với hai phương án: Thứ nhất, đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT 5%; thứ hai, giữ nguyên quy định như hiện hành tức là thuộc đối tượng không chịu thuế VAT, vẫn đang là chủ đề thu hút các ý kiến trái chiều. 

*Lo ngại giá phân bón sẽ tăng 

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 mới đây, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, giữ quy định hiện hành, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào và khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất, nên giá phân bón sản xuất trong nước bị giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Nếu đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%, các bất cập liên quan đến hoàn thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp sẽ được xử lý nhưng giá phân bón chắc chắn sẽ tăng và tác động đến sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo đại biểu Dương Khắc Mai, mặc dù theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá nhưng theo quy luật thị trường, Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá bán phân bón. 

Cùng♊ quan điểm này, đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ phân bón và một số mặt🥀 hàng khác thuộc diện không chịu thuế VAT như quy định hiện hành do thuế VAT là thuế gián thu nên người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng.

Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% sẽ khiến giá phân bón tăng lên và nông dân sẽ bị ảnh hưởng.

*Áp thuế sẽ tạo dư địa để giảm giá bán

Làm rõ về việc áp thuế VAT 5% có thể khiến giá phân bón đến tay nông dân tăng lên như các lo ngại của nhiều đại biểu quốc hội tại hội nghị này, đại biểu Trịnh Xuân An- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng cần có cách nhìn tổng thể, không nên chỉ dựa vào việc tăng giá hay hạ giá để quyết định việc có nên áp thuế VAT với phân bón hay không.

"Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có ngành sản xuất phân bón trong nước đàng hoàng, đĩnh đạc, chính sách cứ phải chỉnh lên chỉnh xuống là không được. Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón hiện đại, bình đẳng với thế giới, không phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân được lợi, sản xuất nông nghiệp được lợi”.

Trước đó, vấn đề đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT cũng đã được nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ quan điểm đồng tình. Theo ông Phan Đức Hiếu-Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, chính phủ không có mong muốn gì khác là từ cơ hội doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất thì dẫn đến cơ hội giảm được giá bán phân bón nhằm mang lại lợi ích cho bà con nông dân. 

Từ góc độ lợi ích tổng thể của cả nhà nước, nông dân và doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường- Ủy viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết trong lịch sử, phân bón đã là một hàng hóa chịu thuế VAT 5% trước khi có Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội: Luật sử đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. 

Theo ông Hoàng Văn Cường, thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Doanh nghiệp sản xuất phân bón là đối tượng mua các yếu tố nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón, chưa phải người tiêu dùng cuối cùng, mà lại phải chịu thuế của yếu tố nguyên liệu đó do không được khấu trừ. Đấy là điều bất hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón và vô hình chung, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại không phải chịu một chi phí nào về thuế. 

Từ góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Phụng-Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã đề nghị đưa phân bón quay trở lại diện chịu thuế VAT do phù hợp với chủ trương, phù hợp với với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội là mở rộng diện chịu thuế VAT, thu hẹp danh mục 26 nhóm xuống còn ít hơn.

Thêm vào đó, đưa phân bón vào diện chịu thuế cũng là một cơ hội để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. “Đây là câu chuyện đứng trên quan điểm lợi ích tổng thể nền kinh tế chứ không xét riêng bộ, ngành nào”, ông Phụng khẳng định.

Trên thực tế, các nước trên thế giới đều áp dụng các chính sách thuế với ngành phân bón và không có nước nào như Việt Nam không áp thuế VAT phân bón. Trung Quốc áp dụng thuế phân bón 11%. Nga áp dụng thuế VAT phân bón 20%. Thái Lan áp dụng thuế VAT phân bón 8%, Malaysia và Singapore đều áp dụng thuế VAT cho phân bón…

Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam, đại diện CTCP DAP Vinachem cho rằng, bài học đứt gãy chuỗi chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng vận chuyển hàng hóa do xung đột trên thế giới và khu vực thời gian qua cho thấy việc chủ động "đầu vào" thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là mặt hàng phân bón là rất quan trọng. Vì vậy, sự tác động của các chính sách vĩ mô là rất cần thiết để ngành phân bón có thể đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, kể từ khi Luật 71 có hiệu lực vào ngày 1/1/2015 đến nay, nông dân phải mua phân bón với giá thành cao hơn từ 5-8% do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên phải hạch toán một phần thuế này vào chi phí sản xuất.

Với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng/năm, với số thuế VAT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 đến 4.000 tỷ đồng/năm. Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, kể khi Luật 71 có hiệu lực, giá thành phân đạm đã tăng từ 7,2 đến 7,6%; phân DAP tăng từ 7,3 đến 7,8%; phân supe lân tăng từ 6,5 đến 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 đến 6,1%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục