Chia sẻ sáng kiến du lịch xanh khu vực ĐBSCL

21:58' - 15/11/2024
BNEWS Du lịch xanh là loại hình không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành, phát triển đi kèm bảo vệ, tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân theo hướng bền vững.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II, 🦹chiều 15/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề "Sáng kiến du lịch xanh Mekong", thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp... t♓rong tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Du lịch xanh là loại hình không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành, phát triển đi kèm bảo vệ, tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân theo hướng bền vững. Trong các loại hình du lịch hiện nay, du lịch xanh đang thu hút sự quan tâm lớn, đặc biệt là khi nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng cao. Không nằm ngoài xu hướng đó, tại Đồng Tháp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, việc phát triển du lịch theo xu hướng xanh được xác định là tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, du lịch nông nghiệp là một điểm sáng của chiến lược du lịch xanh.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các khu, điểm du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ những sáng kiến du lịch xanh như: trồng sen kết hợp nuôi ong, nuôi thủy sản dưới mặt nước và phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất và thức ăn để đáp ứng nhu cầu của du khách là ăn ngon, ngủ sâu, không gian đẹp; khuyến khích nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ; sử dụng tàu, xe hoạt động bằng năng lượng sạch; thu hút nguồn nhân lực phục vụ du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng…

Khuyến nghị về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, cần điều tra các tài nguyên về du lịch nông nghiệp, nông thôn theo vùng sinh thái, sản vật cốt lõi để đưa ra những khu vực phát triển mang tính bền vững theo yêu cầu của kinh tế xanh, trong đó có du lịch xanh. Xây dựng bản quy hoạch mang tính khoa học căn cơ, bài bản để đưa ra được bản đồ du lịch nông nghiệp nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nền tảng cho ngành du lịch phát triển các tuyến du lịch và điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình điển hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tiến sỹ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về "Cơ hội, thách thức hiện hữu trong phát triển du lịch xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long và "không gian" cho các mô hình đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh". Theo Tiến sỹ Dương Đức Minh, các điểm đến ở Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có thiên nhiên yên bình, sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm miền quê khó quên cùng nhiều di sản văn hóa địa phương độc đáo riêng có.

Ông Nguyễn Trọng Minh, đại diện Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay (Đồng Tháp) cho hay, với du lịch xanh, Việt Mekong farmstay giữ chân du khách nước ngoài lưu trú lâu hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Du lịch xanh phải giữ xanh đúng giá trị của nó để phát triển bền vững; làm du lịch xanh nên phát triển sản phẩm trong "khu vườn" của mình, không cạnh tranh giá cả và cần kết nối các khu, điểm du lịch thành mạng lưới.

Giám đốc Công ty truyền thông và du lịch C2T (Bến Tre) Võ Văn Phong cho biết, chương trình "Net zero tours" mà công ty đang triển khai nhằm thúc đẩy du lịch bền vững, giảm ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường. "Net zero tours" theo hướng du lịch chân thật, kết hợp giới thiệu những câu chuyện kể về địa phương và tri thức bản địa; chú ý bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và rác thải nhựa trong hoạt động.

Phiên tọa đàm hướng tới mục tiêu giúp cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch cùng nhận diện bối cảnh, thách thức, cơ hội, gắn kết ý tưởng giữa các bên để định hình các sáng kiến, mô hình kinh doanh cụ thể nhằm phát triển du lịch xanh, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục