Cải thiện tình trạng khó tiếp cận thông tin thu, chi ngân sách tại các địa phương

17:25' - 21/11/2024
BNEWS Việc tuân thủ quy định về công khai ngân sách huyện còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các tiến trình ngân sách

🐽Ngày 21/11 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Tổ chức Doanh nghiệp Xã hội Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDISE) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm chuyên đề “Rà soát việc công khai ngân sách huyện năm 2023 và nghiên cứu trường hợp công khai ngân sách tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn hai tỉnh Lạng Sơn và Bà Rịa – Vũng Tàu”.

Sự kiện được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia(DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam thông qua Chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP.

 
Khai mạc tọa đàm, bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách công thuộc UNDP tại Việt Nam chia sẻ, kết quả khảo sát Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thường niên cho thấy tỷ lệ người dân biết đến hoặc nhận được thông tin về thu, chi ngân sách Nhà nước ở địa phương rất thấp.

Để tìm hiểu lý do, nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát việc chính quyền cấp huyện đã chủ động tập hợp và niêm yết công khai kế hoạch và kết quả thu, chi ngân sách huyện/quận và xã/phường trên cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền cấp huyện ra sao.

Mặc dù, hơn 90% số người dân có điện thoại thông minh kết nối internet, chính quyền địa phương có điều kiện thuận lợi để chủ động công khai thông tin ngân sách nhanh chóng, đúng hạn theo quy định của pháp luật, song việc tuân thủ quy định về công khai ngân sách huyện còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các tiến trình ngân sách

Năm 2023, kết quả rà soát việc thực hiện công khai ngân sách huyện trên các cổng/trang thông tin điện tử ở UBND cấp huyện trên cả nước cho thấy, điểm số công khai ngân sách huyện bình quân cả năm 2023 trên địa bàn cả nước là 21,93 điểm trên thang điểm từ 0 đến 100 điểm, tương ứng với mức độ công khai ‘Thấp’.

Trong số 705 huyện trên cả nước, chỉ có 12 đơn vị, tương ứng với 1,7% và được đánh giá là công khai “Tốt” các tài liệu ngân sách (trong khoảng điểm từ 75 đến 100 điểm). Trong khi đó, có tới 272 đơn vị (38,6%) có mức độ công khai thấp (đạt dưới 25 điểm), và đặc biệt có 168 đơn vị (23,8%) không công khai bất kỳ một tài liệu ngân sách nào.

Bà Đỗ Thanh Huyền nhận định: Các đơn vị cần tuân thủ quy định về công khai ngân sách và thực hiện công khai kế hoạch và báo cáo thực hiện ngân sách đúng hạn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào tiến trình ngân sách, đảm bảo tính minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành và cung ứng dịch vụ công.

Với những phát hiện và đề xuất chính từ nghiên cứu được chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia cho rằng, cần tích cực nghiên cứu đánh giá việc áp dụng công khai ngân sách huyện trên cổng, trang thương mại điện tử của 705 UBND cấp huyện tại Việt Nam. Đồng thời, cung cấp những thực tiễn tốt trong công khai ngân sách giáo dục qua nghiên cứu trường hợp tại hai tỉnh Lạng Sơn và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, các tài liệu ngân sách đã được công khai hiện nay vẫn chưa đạt chuẩn, tính sẵn có, kịp thời, đầy đủ, thuận tiện đến tính liên tục còn rất nhiều bất cập. Chỉ có 13,6% số huyện công khai kịp thời một tài liệu quan trọng như dự thảo dự toán ngân sách huyện năm 2024... không đảm bảo đủ thời gian cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác nghiên cứu và tham gia đóng góp ý kiến.

Mặc dù, có 516 đơn vị tương đương tỷ lệ 73,2% có thư mục công khai ngân sách hoặc các thư mục khác tương đương trên, nhưng chỉ 26,4% số huyện có thư mục ngân sách và được phân chia theo loại tài liệu hoặc theo năm. Tỷ lệ các huyện là dưới 20% công khai các tài liệu ngân sách có định dạng thuận tiện cho người sử dụng như Word hay Excel là rất thấp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Phạm Văn Long, Giám đốc VESS cho biết: Kết quả rà soát thư mục Hỏi đáp trên cổng/trang TTĐT UBND cấp huyện cho thấy, 73,3% trong tổng số 705 huyện trên cả nước đã có thư mục hỏi đáp trên cổng/trang thông tin điện tử UBND cấp huyện. Tuy nhiên, chỉ có 34,5% thư mục hỏi đáp của các huyện là có lịch sử hoạt động, tức là có người dân đặt câu hỏi và có các cơ quan quản lý nhà nước phản hồi.

Trong 534 huyện tương đương 75,7% có địa chỉ email và có thể gửi được từ phía nhóm nghiên cứu; 87 huyện tương đương 12,3% có địa chỉ email nhưng email báo lỗi không thể gửi được và 84 huyện tương đương 12%không niêm yết công khai email liên hệ trên cổng/trang thông tin điện tử UBND cấp huyện.

Ông Nguyễn Quang Thương, Giám đốc điều hành CDISE chia sẻ, để thúc đẩy các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đúng quy định pháp luật về công khai ngân sách thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát, đánh giá, kiểm toán việc tuân thủ các quy định công khai ngân sách. Đồng thời, ban hành các quy định cụ thể nhằm ghi nhận, biểu dương các đơn vị thực hiện tốt và có chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện các quy định pháp luật về công khai ngân sách.

Các cơ sở giáo dục công lập được khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuân thủ tương đối tốt các quy định về công khai ngân sách, trong khi Sở Giáo dục và Đào tạo tại hai tỉnh và Phòng Giáo dục và Đào tạo tại hai thành phố Lạng Sơn và Vũng Tàu công khai chưa tốt

Từ các phát hiện nghiên cứu, báo cáo cũng đưa ra nhiều đề xuất mang hàm ý chính sách và thực tiễn để các cấp, các ngành có liên quan xem xét nhằm tăng cường tính công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về minh bạch ngân sách và thực hiện tốt quyền giám sát ngân sách của công dân. Các tài liệu ngân sách cần công khai đầy đủ, đúng thời điểm. Trên cổng/trang thông tin điện tử UBND cấp huyện cần có thư mục riêng về công khai ngân sách và cần được sắp xếp theo năm và theo loại tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục