Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 9%

11:54' - 12/12/2024
BNEWS Các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá...

 

Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 11/2024 ước đạt 562 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,9%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 12,5% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 5,6%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 9,5%; Quảng Ninh tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Hà Nội tăng 6,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 𒅌tháng năm 2024 ước đạt 669 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 13% so với cùng kỳ năm♛ trước.

 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng của một số địa phương có mức tăng cao như sau: Khánh Hòa tăng 17,0%; Hải Phòng tăng 13,2%; Cần Thơ tăng 12,6%; Hà Nội tăng 10,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,4%; Bình Dương tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2024 ước đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% tổng mức và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tăng cường thu hút khách trong nước và quốc tế. Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 31,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 17,7%; Khánh Hòa tăng 16,6%; Hà Nội và Bình Định cùng tăng 12,6%; Vũng Tàu tăng 8,1%.

Doanh thu dịch vụ khác 11 tháng năm 2024 ước đạt 608,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 11 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Bình Thuận tăng 22,5%; Cần Thơ tăng 12%; Hà Nội🌟 tăng 8,5%.

 

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá…

Cùng với đó, sắp đến thời điểm cuối năm nhiều dịp lễ lớn như:  Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch, nhiều siêu thị đã tung ra các các chương trình nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Chị Nguyễn Tuyết Mai, nhân viên siêu thị Winmart cho biết, hiện tại, Winmart đang tổ chức chương trình “Siêu sale cuối năm” và “Tân niên rộn ràng - Ngập tràn ưu đãi”. Cụ thể, có những ưu đãi là giảm giá đồ dùng 50%, mua 1 tặng 1; chương trình dành cho hội viên với các gói ưu đãi෴ mặt hàng sản phẩm rau sạch.

“Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ những khuyến mại cuối năm này đang góp phần tăng lượng mua, đặc biệt là các mặt hàng giảm giá mạnh hoặc có chính sách hội viên rõ ràng. Những ưu đãi giảm giá mạnh hoặc tặng kèm sẽ khiến khách hàng cảm thấy mình mua được với giá hời và dễ dàng quyết định mua hơn. Đặc biệt, các sản phẩm rau sạch vốn là mặt hàng thiết yếu nên chương trình áp dụng ưu đãi cho hội viên sẽ càng thu hút lượng lớn người tiêu dùng”, chị Nguyễn Tuyết Mai cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những hệ thống siêu thị thì các tiêu thương tại các chợ lẻ đều nhận định, năm nay, buôn bán rất khó. Bà Dương Thị Thảo, người bán hoa quả tại chợ Vạn Phúc cho biết, giá nhập hàng vào thì cao mà khách thì vắng. Năm nay khó khăn nên buôn bán, người mua cũng ít hơn, đến hiện tại vẫn khó bán phải gần nữa cận Tết thì lượng mua mới tăng được.

“Lượng khách mua đến hiện tại thì không thay đổi quá nhiều, chỉ là người ta mua nhiều hơn những mặt hàng rượu, bia, bánh kẹo so với mọi khi. Nhưng nói chung so với mọi năm thì doanh thu giảm, cửa hàng bây giờ chỉ nhập hàng ít một bán hết đến đâu nhập hàng đến đấy, chứ không ôm hàng được như những năm trước vì sức mua giờ rất ít”, bà Nguyễn Thị Lan, người bán hàng tạp hóa tại chợ Cống Vị chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục